Để đạt được kết quả đáng ghi nhận như vậy là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là sự chung sức đồng lòng của người dân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Hưng Yên tiếp tục thực hiện việc xây dựng Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu phấn đấu: đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025?
Ông Đỗ Minh Tuân: Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 đã giúp cho nhiều vùng nông thôn trên cả nước nói chung và vùng nông thôn của tỉnh Hưng Yên nói riêng có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam và còn tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn phát triển kinh tế. Với những kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, bước sang giai đoạn 2021-2025, để thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Ở giai đoạn 2021-2025 này, xây dựng NTM không chỉ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn. Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây chính là điểm mới trong xây dựng NTM so với giai đoạn 2011-2020.
Cơ sở hạ tầng của Hưng Yên thay đổi từng ngày từ khi thực hiện Chương trình NTM |
- Xin ông cho biết thêm, đến nay tỉnh Hưng Yên đã và đang thực hiện như thế nào để đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM vào cuộc sống của người dân?
Ông Đỗ Minh Tuân: Để xây dựng NTM, bên cạnh thực hiện tốt các quy định của trung ương, tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tiêu biểu như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 233/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 quy định chính sách hỗ trợ các địa phương về đích sớm, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025 như một chất xúc tác, tạo động lực mạnh mẽ để các địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2279/KH-UBND ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Đây được coi là điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh Hưng Yên. Nhờ việc ban hành các cơ chế mở đã tạo điều kiện cho các xã tối đa hóa các nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và thống nhất nhận thức “Xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền xây dựng mô hình “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “khu dân cư 3 không”, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường… Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; vận động các tầng lớp nhân dân hiến kế, hiến công, hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Các nội dung tuyên truyền đã phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của người dân, do vậy khi triển khai đã nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân và trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình OCOP; triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu tại Hưng Yên |
Ở giai đoạn trước, các địa phương chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì giai đoạn này chuyển sang thực hiện những nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân như: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Chương trình OCOP; triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Bức tranh khu vực nông thôn thay đổi theo hướng toàn diện hơn. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hưng Yên đã đạt gần 65 triệu đồng/người; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,93%; giá trị thu được trên một ha canh tác đạt 230 triệu đồng; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi trong cộng đồng dân cư.
Đến hết tháng 11/2023, tỉnh Hưng Yên đã có 93 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 155% kế hoạch đặt ra tới năm 2025; có 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 73% kế hoạch đặt ra tới năm 2025. Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đảm bảo kết nối chặt chẽ thành thị với nông thôn đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng NTM thông minh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát huy mọi nguồn lực xã hội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh.
Bên cạnh đó, cũng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
- Vậy thưa ông, so với giai đoạn trước, hiện nay tỉnh Hưng Yên có những kế hoạch nào đột phá hơn để đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM cho tỉnh nhà trong thời gian tới?
Ông Đỗ Minh Tuân: Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 – 2025. Ngoài việc căn cứ theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù riêng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 233/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 quy định chính sách hỗ trợ các địa phương về đích sớm, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2279/KH-UBND ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Đây được coi là điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh Hưng Yên. Với việc các cơ chế này được thông qua đã tạo động lực cho các địa phương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 01/11/2021 về việc tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; các Kế hoạch về việc tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu nông thôn mới” tỉnh Hưng Yên năm 2021 và năm 2022; Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Chương trình số 05/CTr-BCĐ ngày 15/4/2022 về kiểm tra việc triển khai tổ chức thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022; Kế hoạch số 07/KH-BCĐ ngày 15/4/2022 về kiểm tra việc triển khai tổ chức thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022; kế hoạch thẩm định nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hàng năm; Hướng dẫn số 14/HD-BCĐ ngày 04/11/2022 về hướng dẫn đánh giá nội dung các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn số 15/HD-BCĐ ngày 04/11/2022 về hướng dẫn đánh giá nội dung các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021-2025 và Hướng dẫn số 16/HD-BCĐ ngày 04/11/2022 về hướng dẫn đánh giá nội dung các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021 – 2025. Có thể nói, bước sang giai đoạn mới 2021 – 2025, trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, Sở Nông nghiệp và PTNT đã luôn chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Các văn bản tham mưu đảm bảo đầy đủ, kịp thời, có tính đồng bộ với văn bản hướng dẫn của trung ương và tính khả thi khi áp dụng văn bản vào thực tiễn cao.
- Được biết tỉnh Hưng Yên là địa phương đã đạt chuẩn 100% chỉ tiêu về Nông thôn mới, trong đó có Chương trình OCOP. Vậy đến nay toàn tỉnh đã có bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu Doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận đạt OCOP?
Ông Đỗ Minh Tuân: Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Chương trình OCOP đã được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn.
Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo định hướng thị trường; đã khơi dậy tiềm năng nguồn lực sản xuất, khai thác lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống làng quê nông thôn để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, nhiều địa phương, cơ sở đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP chuyển tải những câu chuyện về văn hóa, truyền thống của Hưng Yên như sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên; hạt sen, long nhãn Hưng Yên, Gà Đông Tảo, Nghệ Chí Tân;….
Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể sản xuất tăng quy mô và doanh thu.
Tính đến 30/11/2023, đã tổ chức đánh giá, xếp hạng và công nhận cho 252 sản phẩm OCOP, trong đó có 206 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 46 sản phẩm đạt hạng 4 sao; nhóm thực phẩm có 212 sản phẩm; đồ uống có 10 sản phẩm; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu thảo dược có 13 sản phẩm và thủ công mỹ nghệ, trang trí có 17 sản phẩm của 97 chủ thể sản xuất (12 doanh nghiệp, 49 HTX, 9 THT và 27 cơ sở sản xuất).
- Thế mạnh sản phẩm và Doanh nghiệp thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Hưng Yên là gì thưa ông?
Ông Đỗ Minh Tuân: Nhiều sản phẩm OCOP Hưng Yên mang đặc trưng, lợi thế riêng có gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa Hưng Yên như Nhãn lồng Hưng Yên, Gà Đông Tảo, Vải trứng Hưng Yên, Long nhãn Hưng Yên, Mật hong hoa nhãn, Nghệ Chí Tân,... đã có 32 sản phẩm OCOP được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm OCOP có bao bì, nhãn mác, mẫu mã đa dạng, nhiều thiết kế giỏ quà, quà tặng sang trọng và có giá trị cao, hướng đến xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp, 49 HTX tham gia Chương trình OCOP đã góp phần phát huy được thế mạnh, vùng nguyên liệu, nhãn hiệu chứng nhận, làng nghề như Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên có 7 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao), Công ty TNHH cộng đồng 18/4 có 5 sản phẩm đạt 4 sao; Công ty TNHH Mật ong Danh Vị có 3 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 3 sao); Công ty cổ phần T389 Việt Nam có 3 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 3 sao); Công ty TNHH Vinagri Việt Nam có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao; Công ty TNHH dược liệu Việt Tú có 2 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm đạt hạng 4 sao 1 sản phẩm đạt hạng 3 sao).
Các sản phẩm OCOP được công nhận đã thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP, tăng tính cạnh tranh trên thị trường,tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững, góp phần thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương