Thực hư gốc tích vị Vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long

(PLO) - Lý Thái Tổ - vị Vua sáng lập vương triều Lý, người đã có quyết định sáng suốt dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm 1010, cùng với bài "Thiên đô chiếu" bất hủ mở ra một giai đoạn phát triển mới của quốc gia Đại Việt.  Đã 1004 năm kể từ mùa thu ấy, thế mà câu chuyện gốc tích của vị Vua khai sáng này vẫn chưa có hồi kết…
Thực hư gốc tích vị Vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long
Từ những ghi chép đậm màu huyền tích
Chuyện Lý Công Uẩn được đầu thai ra sao được chép ở sách "Đại Việt sử ký toàn thư": "Vua họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang (bao gồm các huyện Tiên Du, Từ Sơn - Bắc Ninh; Gia Lâm, Đông Anh - Hà Nội ngày nay.  Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh Vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ năm (947), thời Đinh".
Sách "Việt sử thông giám cương mục" cũng chép tương tự: "Mẹ ngài là Phạm thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất, Thái Bình thứ năm (974), thời Đinh". Trong sách "Việt sử tiêu án", Ngô Thì Sỹ viết: "Sách sử chép Phạm Thái hậu đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Vua. Lý Khánh Văn nuôi làm con, nhận là họ Lý. 
Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: "Thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi".  
Tuổi thơ của Lý Công Uẩn cũng phát lộ những điều chỉ có ở các "thần đồng" sẵn mang mệnh đế vương. 
Vẫn theo "Đại Việt sử ký toàn thư": "Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ đẻ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn nuôi làm con. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: Đứa trẻ này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ".
Sách "Đại Việt sử lược" cũng ghi:  "Lúc nhỏ, Vua thông minh, tính khí khôi hoạt, rộng rãi. Tới học ở chùa Lục Tổ, thiền sư Vạn Hạnh thấy cho là khác lạ, nói: "Đây là người phi thường, sau này tới lúc cường tráng tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ".
Những truyền thuyết nhuốm huyền thoại 
Theo các cụ cao tuổi ở làng Dương Lôi (nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) thì từ xa xưa đến nay, ở đây vẫn lưu truyền câu phương ngữ "Nở Đường Sau/ đau chùa Dận". Và cội nguồn
ra đời của câu phương ngữ đó là cả một câu chuyện khá ly kỳ về thân mẫu của Vua Lý Thái Tổ. Chuyện rằng: Thuở ấy, trong làng có một gia đình họ Phạm gồm hai ông bà và người con gái có tên là Ngà. 
Gia cảnh tuy nghèo nhưng họ sống rất hạnh phúc, còn cô con gái thì đã xinh đẹp lại nết na. Sau cái chết của người cha vì bạo bệnh, trong hoàn cảnh mẹ góa con côi, họ đành rời  bỏ xóm làng ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu. Để độ thân, hàng ngày hai mẹ con bán nước cho người qua đường và bán hương, cau cho người vào lễ Phật.  
Vào một hôm đẹp trời, có 2 vị tu hành ghé vào quán uống nước, thì ra hai vị sư ấy đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu (chùa Ứng Thiên Tâm), một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp (tức chùa Dận). 
Sự phúc hậu của bà mẹ cùng sự nết na của người con gái đã chiếm được thiện cảm của hai vị sư. Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời. Được sự chỉ dẫn của các vị sư, cô gái bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng ấp, ven rừng Miễu. Sau đó, cô Ngà về làm thủ hộ cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu, hàng ngày quét sân, làm vườn và lo chuyện nhang đèn. 
Tình cờ một đêm, do làm việc mệt, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, trong mơ cô thấy một vị thần nhân hình dong đẹp đẽ, phong độ tiên cốt bước qua người mình. Tỉnh dậy, cô thấy trong người có cảm giác khác lạ, cứ thèm ăn của chua.
Lo sợ trước cái bụng cứ mỗi ngày một to dần lên, cô rời chùa Tiêu trở về chùa Minh Châu. Thương tình, sư trự trì cho cô nương náu. Cho đến trước ngày "mãn nguyệt khai hoa", cô xin phép nhà chùa trở lại túp lều nơi xóm cũ  Đường Sau.
Trong cơn đau đẻ vào một đêm mưa rét đầu xuân (tháng Hai năm Giáp Tuất - 974), cô Ngà mơ thấy các bà mụ như từ trên trời hiện  xuống làm bà đỡ. Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn  chân, người làng đọc thấy chữ "Vương". 
Khi đứa trẻ lên ba, người mẹ bỗng sinh bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, vào một tối, cô ôm con đến chùa Dận. Trước đó, sư trụ trì Lý Khánh Văn thấy nhiều chuyện lạ: một con chó mẹ trong chùa đẻ một con chó con lông trắng khoang đen có hình chữ "Tuất Thiên tử"; rồi trên chiếc cổng lớn của chùa tự dưng xuất hiện bốn chữ "Hưng quốc chi niên".
 Tối đó, trong giấc ngủ, sư chiêm bao thấy thần hiện lên báo mộng, cho biết giờ Tý đêm nay có đế vương đến  ngự. Choàng tỉnh dậy, sư sai tiểu quét dọn chùa, còn mình thì thắp hương tụng niệm. 
Đúng giờ Tý, con "Tuất Thiên tử" bỗng nhiên sủa vang và vẫy đuôi mừng rỡ chạy ra cổng chùa. Sư Khánh Văn theo ra thì thấy một người đàn bà rách rưới, đội chiếc  nón mê, tay ôm đứa trẻ. Nhận ra người đàn bà chính là cô Ngà ở chùa Minh Châu trước kia, sư ông bèn đưa vào hỏi han sự tình. Khi biết đứa trẻ này tuổi Tuất, khôi ngô tuấn tú, dưới chân lại có chữ Vương thì nhà sư tin lời báo mộng đã ứng nghiệm. 
Ngài bèn bảo cô Ngà để đứa trẻ lại cho nhà chùa nuôi dạy nên người, sau này giúp nước, giúp dân. Nghe lời sư, cô đành gạt nước mắt từ biệt con, rồi một mình quay về xóm cũ. 
Trên đường về, đến một gò đất ven rừng, tự nhiên thấy hoa mắt, cô gái họ Phạm gục xuống, thiếp đi. Tại chỗ cô nằm, mối đùn lên thành ngôi mộ rất lớn, tương truyền đó là nơi "liên hoa khai bát điệp" - một trong những huyệt mộ đế vương.
Hiện nay ở làng Dương Lôi vẫn còn ngôi đền thờ bà Phạm Thị Ngà, dân gian gọi là đền "Miễu". Như vậy, câu "Nở Đường Sau/ Đau chùa Dận" mà bao đời nay người dân vùng Kinh Bắc truyền lại cho nhau có căn nguyên của nó, vì xóm Đường Sau ở Dương Lôi là nơi Lý Công Uẩn chào đời, còn chùa Dận ở Đình Bảng là nơi nhận nuôi dưỡng Lý Công Uẩn từ lúc 3 tuổi.
Bối rối các nhà chép sử từ cổ chí kim
Cả những ghi chép trong chính sử lẫn truyền thuyết trong dân gian đều cho rằng mẹ của Lý Công Uẩn có mang với "thần nhân". Điều này đã khiến một sử gia ngày trước trong khi chép sử không khỏi bối rối. Trong "Việt sử tiêu án", Ngô Thì Sỹ đã dẫn ra một đoạn dã sử: "…
Ngoại truyện lại nói: Mẹ Vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt, bà đang ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua". 
Rồi ông hạ một câu lửng lơ: "Thế thì thật không biết người nào là cha Vua nữa". Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" cũng có "Lời cẩn án" rằng: "Lý Thái Tổ làm con nuôi sư Lý Khánh Văn, còn bố đẻ không biết là ai. Sử cũ ở đây chép suy tôn cha mà không chép tên, lại không  nói rõ là bố đẻ hay là bố nuôi, về sau chép phong cho anh, phong cho chú, lại không thấy nói họ tên".
Và sử gia cũng để ngỏ một câu: "Vậy hãy tạm để lại, sẽ khảo sau".  GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng:  "Vì những lý do riêng, Lý Thái Tổ không muốn công khai lý lịch. Điều quan trọng hơn là muốn lấy sự tin cậy của dân, nên mới bịa ra chuyện con thần. Nhưng đây là điều hoàn toàn không đúng vì chắc chắn Vua có bố mẹ đẻ. 
Bằng chứng là ngay sau lễ lên ngôi (21/1/1009), Lý Thái Tổ đã truy tôn cha là Hiển Thánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu; phong tước cho chú và anh em ruột; đồng thời xuống chiếu làm Ngọc điệp (gia phả Nhà Vua)". 
Như vậy, vấn đề chỉ là ở chỗ "thần nhân" ấy cụ thể là ai? Giới sử học và các nhà nghiên cứu bấy lâu đã tốn  không ít giấy mực hòng "giải mã" vị “thần nhân” bí ẩn ấy, song cho đến nay câu chuyện vẫn chưa có hồi kết./.

Đọc thêm