Thực hư ngôi mộ thiên táng có đàn vẹt phủ kín như mây (Phần 2)

(PLO) - Dân gian lưu truyền rằng sở dĩ nhà Trịnh “phi đế, phi bá” nhưng 12 đời làm chúa “quyền khuynh thiên hạ” là nhờ phúc ấm từ ngôi mộ thiên táng kỳ lạ của mẹ Trịnh Kiểm.
Thực hư ngôi mộ thiên táng có đàn vẹt phủ kín như mây (Phần 2)

Học giả - linh mục Cadière nhận định về phong thủy như sau: “Sự hiện diện của con người trên cõi đời này, cuộc sống của họ, hành động của họ, cái chết sau cùng, tất cả đều nối liền chặt chẽ với toàn bộ những năng lực huyền bí xoay vần trên đầu mỗi người.

Những năng lực này lại liên hợp với những tinh tú trên trời hay ẩn nấp trong lòng đất, mạch đất để tác động dưới chân mỗi người. Năng lực trời và đất không phải cõi riêng biệt, chúng phối hợp chặt chẽ với nhau cấu thành toàn bộ rất điều hòa, dù rằng vô cùng phức tạp…”.

Phải chăng năng lực huyền bí đó đã giúp nhà Trịnh làm nên cơ đồ khi được hưởng tới hai huyệt mộ đế vương?

“Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”

Từ một kẻ nghèo hèn, sau khi mẹ mất, số phận Trịnh Kiểm có những ngã rẽ bất ngờ. Bấy giờ, ông tổ khai nghiệp các đời chúa Nguyễn là Nguyễn Kim khởi nghĩa tái lập nhà Lê chống lại nhà Mạc, hình thành thế Nam Bắc triều. Một hôm, đang đêm người này đứng dậy mở cửa ra sân, trông xuống dưới trại, thấy có hai khối tinh đỏ đòng đọc, tựa hồ như hai bó đuốc, sai người đốt đuốc xuống xem cái gì, thì té là Trịnh Kiểm đang ngủ ở chỗ ấy, hào quang từ trong mắt phát ra. Nguyễn Kim lấy làm kỳ lạ, gọi lên hỏi chuyện thì thấy ứng đối giỏi giang, tài đảm hơn người nên trọng dụng.

Theo cuốn “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” của linh mục Alexandre De Rhodes, khi quân Mạc tấn công vào kinh thành, quân Nguyễn Kim rơi vào giữa vòng vây của địch. Trong tình thế nguy nan, Nguyễn Kim đã giao ước với các tướng rằng ông sẽ gả con gái cho ai có thể giải cứu ông và nghĩa quân ra khỏi vòng vây ấy.

Nghè Vẹt nơi thờ 12 đời chúa Trịnh
Nghè Vẹt nơi thờ 12 đời chúa Trịnh

Nghe vậy, Trịnh Kiểm phi ngựa xông lên hăng hái đánh, giết giặc, cứu được Nguyễn Kim và mở đường huyết lộ cho nghĩa quân rút lui. Nguyễn Kim cũng y lời hứa gả con gái và giao nhiều trọng trách, đặc biệt là việc huấn luyện kị binh.

Cuộc hôn nhân vương giả này là bệ phóng đưa Trịnh Kiểm lên đỉnh cao quyền lực. Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim đánh giặc lập được nhiều công trạng, được cử lên làm đại tướng, sai đốc binh ra đánh Nghệ An, dần dần tiến ra đến Thanh Hóa. Khi Nguyễn Kim mất, toàn bộ binh quyền chuyển qua tay Trịnh Kiểm.

Lúc đó, Trịnh Kiểm 42 tuổi, lập hành điện ở Thanh Hóa, chiêu tập hào kiệt làm chủ giang sơn phía Nam từ Thanh Hóa trở vào (Nam triều) để chống lại nhà Mạc bấy giờ vốn đang làm chủ vùng đất từ Sơn Nam trở ra (Bắc triều). Trịnh Kiểm được tiến vị phong làm Thái sư, Dực quận công, sau lại thăng làm Lang quận công.

Con Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng tài trí hơn người, giúp vua Anh Tôn, phá được quân nhà Mạc ở cửa biển Thần Phù, dần dần tiến binh ra thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hiệp, đem lại được giang sơn cho nhà Lê, được tiến phong làm Bình an vương. Từ bấy giờ con cháu họ Trịnh, đời đời tập phong tước vương, quyền chính lấn cả thiên tử.

Khi cuộc chiến Nam - Bắc triều vẫn đang tiếp diễn thì vua Lê Trang Tông mất, vua Lê Trung Tông lên thay được 8 năm cũng mất, chưa có ai kế vị. Trong tình cảnh ấy, Trịnh Kiểm có ý muốn xưng vua nhưng còn lưỡng lự, chưa dám, mới sai sứ giả bí mật xin ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình lặng im một lúc không nói gì, rồi đột nhiên gọi người giúp việc trong nhà ra lớn tiếng bảo:

“Năm nay mất mùa, thóc giống không được tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo”. Xong lại sang bên chùa bảo mấy chú tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Hai câu nói ấy hàm ý rằng: hãy tìm con cháu vua Lê (tìm giống cũ) và hãy giữ ngôi nhà Lê (giữ chùa thờ Phật) sẽ được mưa móc, ngọt ngào (ăn oản). Trịnh Kiểm hiểu ý Trạng Trình, mới đi tìm cháu ruột của Lê Lợi là Lê Duy Bang đưa lên ngôi, song thực quyền vẫn nằm hết trong tay.

Nắm quyền trong triều đình nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Ông sai thuộc hạ giết con cả Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Người con thứ là Nguyễn Hoàng sợ hãi nên nhờ chị gái xin Trịnh Kiểm xuống trấn giữ vùng Thuận Hóa - Quảng Nam ở phía Nam.

Trịnh Kiểm cho rằng giết cả hai anh em Nguyễn Hoàng sẽ mang tiếng, mà Thuận - Quảng là nơi xa xôi, “ô châu ác địa” nên bằng lòng cho Hoàng vào đó để mượn tay nhà Mạc giết Hoàng. Từ đó Trịnh Kiểm nắm toàn bộ quyền hành nhà Lê, xây dựng sự nghiệp họ Trịnh. Họ Trịnh nối đời cầm quyền nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề tôi cho nhà Lê, hai họ sống chung trong cơ chế lưỡng đầu. Bởi vậy người đời truyền lại câu: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”.

Chỉ phát được 8 đời

Phúc phát từ ngôi mộ đế vương dòng họ Trịnh truyền đến đời thứ 8 thì cạn phúc và họa đã từ trong nhà khởi ra. Nhà Trịnh nắm hết quyền dưới thời Lê trung hưng và truyền được 8 đời. Nhà sử học Trần Trọng Kim đã tổng luận: “Họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng lên, rồi giữ lấy quyền chính, lập ra nghiệp chúa, lưu truyền từ Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) đến Trịnh Khải được 216 năm (1570 - 1786) là hết”.

Mầm mống suy tàn bắt nguồn từ đời thứ 8 là Trịnh Sâm với hai sai lầm lớn. Một là đối với nhà Lê, Trịnh Sâm đã phế hoàng tử Lê Duy Vỹ rồi sai người lập mưu giết đi. Hai là đối với nội tình phủ chúa, ông đã truất con lớn (Trịnh Khải) để lập con nhỏ (Trịnh Cán) do Tuyên phi Đặng Thị Huệ sinh ra làm Thế tử, gây bất bình.

Tháng 9/1782, Trịnh Sâm mất. Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi chúa với tước hiệu Điện Đô vương khi Trịnh Cán mới 6 tuổi. Tuyên phi Đặng Thị Huệ trở thành người điều khiển triều chính giúp con cùng với Huy quận công Hoàng Đình Bảo khiến quân đội và nhân dân bất bình.

Tháng 10/1782, Dự Vũ là tay chân của Trịnh Khải xúi kiêu binh nổi loạn, giết chết Hoàng Đình Bảo, truất ngôi Trịnh Cán, giáng xuống làm Cung quốc công rồi đưa Trịnh Khải (Trịnh Tông) lên thay. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị truất xuống thứ dân, sau tự tử. Trịnh Cán bị đưa ra ở phủ Lượng quốc rồi ốm chết, ở ngôi được gần hai tháng.

Nhưng Trịnh Khải ngồi trên chiếc ghế quyền lực chưa ấm chỗ đã bị quân Tây Sơn từ phía Nam tấn công kinh thành Thăng Long. Trịnh Khải dù rất dũng cảm, lên voi chiến xông trận nhưng thất thế trước sự tiến công như vũ bão của quân Tây Sơn nên phải chạy lánh lên Sơn Tây rồi bị bắt. Trên đường bị áp giải dừng lại ở quán nước, Trịnh Khải vớ con dao trên bàn đâm cổ tự vẫn.

Dao vừa đâm vào cổ, vết thương chưa sâu, người áp giải vội giằng lấy con dao, ông bèn lấy ngón tay chọc vào cổ mà xé vết thương rộng ra để chết. Sau đó ông được Nguyễn Huệ khâm liệm tống táng chu đáo. Năm đó Đoan Nam vương 24 tuổi, ở ngôi chúa được 4 năm. Bấy giờ, trong dân gian có câu: “Đục cùn thì giữ lấy tông/Đục long, cán gẫy còn mong nỗi gì?” nghĩa đôi để chỉ Trịnh Tông (Trịnh Khải) và Trịnh Cán.

Sau khi Trịnh Khải chết, nhân lúc Tây Sơn rút về, phe cánh họ Trịnh bèn tìm lập bác Trịnh Khải là Trịnh Bồng làm chúa nhưng chẳng bao lâu thì lại bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp, bỏ đi tu trong những ngôi chùa hẻo lánh trên vùng núi phía Bắc, chính thức chấm dứt nghiệp họ Trịnh.

Quyền lực khuynh thiên hạ của nhà Trịnh chấm dứt, đúc kết lại trong hai câu ca dao: Hai trăm năm đó đủ điều/Cơ đồ tựa tiếng chuông chiều vừa tan./.