Ngôi làng bị “hắt hủi”
Tìm đến xã Phúc Đường, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), hỏi về làng Cả Đựa, nhiều người ái ngại bảo khách không nên đến đó. Chỉ có một con đường rừng duy nhất để vào làng, vượt qua một con dốc cao dựng đứng dài gần 10km cùng 5 con suối. Đặc biệt, trên đó có ông Cả Đựa “phép thuật vô biên”, “hại chết người”.
Bỏ lại những lời đồn thổi mê tín dị đoan, chúng tôi vẫn muốn được một lần “mục sở thị” ngôi làng. Vượt qua những cung đường lầy lội, làng Cả Đựa đã hiện ra trước mắt. Nhìn từ xa, ngôi làng hiện lên trong heo hút, trên một dải đất rộng chừng 20 hecta và được bao bọc bởi rừng cây.
Gọi là làng Cả Đựa vì ngôi làng do vợ chồng ông Lự Văn Đựa (người dân tộc Thái) lập lên hàng chục năm trước.
Người làng kể lại, thời kháng chiến chống Pháp, do nhà nghèo, sinh nhiều con, ông Đựa đã bỏ quê lên rừng khai hoang. Nhận thấy dải đất này màu mỡ, vợ chồng ông quyết định sinh sống lâu dài. Làng Cả Đựa từ đó được hình thành.
Đường sá đi lại khó khăn, lọt thỏm trong rừng sâu, cuộc sống họ bị tách biệt với bên ngoài. “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, đến những “lâm tặc” còn tỏ ra sợ sệt không dám bén bảng tới khu rừng của ngôi làng.
Họ bảo đó là “khu rừng cấm”, cho rằng nơi đây có lời nguyền từ chính người sáng lập ra ngôi làng để lại. Ai xâm phạm, có thể mang họa. Một đồn mười, mười đồn trăm nên nhiều người thấy… “sởn tóc gáy” khi nhắc đến tên làng Cả Đựa.
“Trước đây, người dân đi rừng lấy gỗ thay vì đi qua làng Cả Đựa cho gần nhưng họ sợ quá phải đi đường vòng qua một dãy núi xa hơn mấy cây số” một người địa phương chia sẻ.
Nơi rừng xanh núi thẳm hoang vu, chuyện dị đoan càng có cơ hội truyền tai, người mê tín bảo ông Cả Đựa có “phép thuật” nhằm bảo vệ ngôi làng, tránh kẻ xấu xâm phạm.
Đến bây giờ người ta vẫn đồn đại chuyện một đoàn khảo sát địa chất đi vào khu làng. Khi đi qua quả đồi, bắt gặp những ngôi mộ, một người đã có thái độ, lời nói bất kính. Vào tới làng, người tên Mùi này còn trêu ghẹo gái bản nên ông Cả Mậu đã làm “phép” khiến anh Mùi như điên dại, người khác chỉ tay vào 3 hòn đất bảo ăn, anh ta cũng chạy đến ăn ngon lành như ăn cơm. Phải đến khi được “niệm chú hóa giải”, người này mới trở lại bình thường.
Người ta cũng cho rằng khi ông Cả Đựa mất đi, đã truyền lại “phép thuật” cho con trai là ông Cả Mậu. Rồi ông Mậu qua đời đột ngột ở tuổi 50, “phép thuật” bị thất truyền.
Những chuyện lạ dưới tán rừng
Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Lê Đình Dân, trưởng bản Cả Đựa, người sống ở đây đã được hơn 30 năm. Nói về ông Cả Đựa, trưởng bản cho rằng, trước khi chết, ông Cả Đựa đã đoán được đúng ngày giờ mình qua đời.
Trưởng bản Cả Đựa. |
“Ông đi tắm rửa sạch sẽ, sau đó thịt một con gà để ăn. Nhưng ông vẫn trăn trở một điều, khi mình chết, vợ còn trẻ đẹp sẽ đi lấy chồng, không ai nuôi con, nên ông cho vợ uống 3 bát nước. Có lẽ là do tác dụng của chất độc trong lá cây mà ít ngày sau, vợ ông không còn một chiếc răng nào”, vị trưởng bản nhớ lại.
Theo trưởng bản, ông Cả Đựa còn có tài thu phục được loài vật. Mỗi khi ông đi săn, con vật nào gặp ông, thường… đứng im cho ông bắn. Nhưng bao giờ ông cũng chỉ bắn một con. Mỗi lần bắn xong, ông đều ngửa mặt lên trời nhắm mắt lại như một lần sám hối và đi về theo một con đường rừng khác chứ không đi lại con đường ban đầu.
Những câu chuyện trưởng bản kể, đều được bà Cố (vợ ông Cả Đựa) cho rằng là sự thật. Bà Cố cho biết, theo ông Cả Đựa kể lại, việc học “phép rừng” không phải đơn giản. Học mất 3 năm, nhưng chỉ học vào một ngày cuối tháng của năm đó. Cứ vào đúng 11h đêm, người học phải chui xuống gầm bàn thờ ngồi khoảng 1 tiếng, ngồi không động đậy và đắp 3 tấm vải có màu trắng, đen, đỏ lên mặt.
Trước khi mất, ông Cả Đựa truyền lại “phép” duy nhất cho người con trai là ông Cả Mậu. Sau này, ông Mậu chết đột ngột, những “phép thuật” mãi mãi biến mất ở ngôi làng này.
Bà Cố cho hay, bà sinh năm 1947, là vợ hai của ông Cả Đựa. Dù chênh lệch nhau 30 tuổi nhưng hai người sống rất hạnh phúc và có với nhau cả thảy 3 mặt con. Hiện con cái đều sinh sống quây quần xung quanh bà.
Phần bà Cố, trước khi chồng mất, bà học được bài thuốc “đẻ không đau, sau đẻ không phải kiêng kị”. Nghe cái tên có vẻ hơi kỳ lạ nhưng quả thực với người dân nơi đây, bài thuốc được coi như là “thần dược”.
Khi người phụ nữ có thai mà đến ngày sinh, bà Cố cho uống 3 thang thuốc lá lấy trên rừng. Uống xong, người phụ nữ khi sinh con sẽ không có cảm giác đau. Điều đặc biệt, sau khi sinh một ngày, không cần phải kiêng kị, họ có thể đi làm đồng hay đi lại như người bình thường.
Chia sẻ về bài thuốc, bà Cố bảo, để có được các vị thuốc, không phải chuyện đơn giản. “Phải có đủ 16 thứ cây để làm thuốc. Nhưng mỗi loại cây không phải ở một quả đồi mới có, mà phải leo qua 16 quả đồi khác nhau mới tìm được loại thuốc đúng. Ngày nắng thì đi mất khoảng 7 ngày là lấy được hết, ngày mưa phải đi cả tháng. Thậm chí vài tháng mới lấy đủ được”, bà Cố cho biết.
Ngoài bài thuốc “đẻ không đau”, bà Cố còn có bài thuốc tránh thai, thuốc uống làm rụng hết răng. Tuy nhiên, loại thuốc làm cho người khác rụng hết răng, bà Cố bảo, có thể sẽ không truyền cho ai vì “nó tàn nhẫn quá. Chắc tôi mang theo khi chết chứ không truyền lại cho ai cả”.
Bà Cố, vợ ông Cả Đựa chia sẻ câu chuyện về người chồng quá cố và bài thuốc lạ “đẻ không đau”.
Bà lão cho rằng, thuốc bà làm ra có hiệu quả cao, nhiều người hay tin đã không quản ngại đường xá xa xôi tìm về nhờ bà cắt thuốc. Với tâm niệm giúp người là chính nên bà chỉ lấy tiền công đi rừng hái thuốc. “Tuổi tôi giờ đã cao, không thể leo rừng để hái thuốc. Những bài thuốc này tôi sẽ truyền lại cho con gái, hi vọng sẽ giúp ích được cho nhiều người”, bà lão chia sẻ.
Chia tay khách, bà lão trải nỗi niềm canh cánh trong lòng bấy lâu nay: “Ông Cả Đựa cả cuộc đời chưa bao giờ hại người. Giờ đây, chúng tôi chỉ muốn mọi người biết đến làng Cả Đựa là ngôi làng heo hút, nơi có những mảnh đời nghèo khổ nhưng rất đỗi nhân hậu, chứ không phải ngôi làng kỳ bí đến mức người xung quanh phải sợ hãi, xa lánh”./.