Hình thức thông tin này thiết lập mối quan hệ gần hơn, nhanh hơn, trực tiếp hơn và đa dạng hơn trong mối quan hệ Nhân dân – Chính phủ. Nhưng để hiệu quả thì cần đến trách nhiệm và thực tâm muốn nghe từ phía Chính phủ, đồng thời xử lý kịp thời những thông tin tiếp nhận và phản hồi với người đã cất công góp ý. Vấn đề này Nhân dân có thể tin tưởng bởi thiết lập “kênh” này là do ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và trực tiếp phụ trách là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đã có ý kiến nghi ngại rằng, không nên để cho tình trạng người tiếp nhận thông tin chỉ “lọc” những ý kiến có lợi, biểu dương, khen ngợi... mà trình lên, còn những ý kiến “khó nghe” thì ỉm đi. Sự nghi ngại ấy là có cơ sở bởi bấy lâu nay tồn tại tình trạng một số lãnh đạo chỉ thích nghe cái hay, cái tốt chứ không chịu nghe cái xấu, cái dở. Vì thế, các báo cáo tràn đầy thành tích, bỏ qua khuyết điểm, sai sót, trì trệ, chỉ nhắc qua loa sau cái từ “tuy nhiên” mà thôi. Bệnh thành tích hay nói dối từ đó mà ra.
Mặt khác, Nhân dân từng chứng kiến những kiểu góp ý cho cách thức làm việc của bộ máy công quyền chỉ là hình thức và đáng gây thất vọng. “Hòm thư góp ý” là một ví dụ điển hình. Một thời, bất kỳ ở công sở, bệnh viện, nhà ga, bến tàu... nào cũng treo “Hòm thư góp ý” rồi để mốc meo, hàng tháng không mở, chẳng ai đọc, vô tác dụng, người dân chán và rồi nó tự tiêu với thời gian, chẳng ai nhắc đến nữa.
Tiếp tục là những đường dây nóng nhận tin báo tội phạm hoặc ý kiến phản ảnh của người dân về thái độ phục vụ trở nên nguội ngắt vì gọi đến chẳng ai nghe máy cả. Rồi, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân, có những ý kiến tâm huyết, có nỗi bức xúc, có sự việc tham nhũng được nói ra... hầu hết, đều rơi vào im lặng. Phổ biến nhất là các đơn thư khiếu nại, tố cáo chuyển lòng vòng gây nên nỗi thất vọng không nhỏ đối với những người thực tâm muốn xã hội có những chuyển biến tích cực.
Nếu người được góp ý, người được phân công nghe ý kiến của Nhân dân có thái độ tiếp thu thực lòng và cầu thị, có trách nhiệm thì cái hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” xảy ra ở các lĩnh vực đấu thầu, xây dựng, quản lý đất đai, dự án, bổ nhiệm cán bộ, thi tuyển biên chế... sẽ rất ít xảy ra. Ở một trường hợp cụ thể như mới đây, một Giám đốc công trình thủy lợi ở Khánh Hòa “tiêu” 8,5 tỷ đồng của ngân sách thì bỏ túi 6,3 tỷ đồng bằng cách kê khống. Nếu có sự lắng nghe phản ảnh của người dân thì đã có thể chặn được “bàn tay móc túi” này và cứu được một cán bộ khỏi phải ngồi tù!
Rất mong lần này khi kênh giao tiếp giữa Nhân dân và Chính phủ mở ra trên mạng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội và niềm tin của nhân dân.