Thực phẩm bẩn trong tháng an toàn

Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM.

Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM.

Sức cơ quan chức năng như “muối bỏ bể”

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm nay diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước với chủ đề “Sản xuất – Kinh doanh – Sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm”. Tại TP.HCM, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP đã được phát động rầm rộ từ nội đến ngoại thành. Mặc dù vậy, thực tế trên thị trường nhiều loại thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, ôi thiu… vẫn ngang nhiên bày bán, có thể nói cơ quan chức năng cứ kiểm tra đến đâu là phát hiện ra đến đó.

Thực phẩm bẩn trong tháng an toàn ảnh 1

Sữa là mặt hàng vẫn được xem là sạch, thế nhưng trên thị trường thành phố gần đây đã phát hiện nhiều lô sữa nhập khẩu có vấn đề về chất lượng. Đội quản lý thị trường (QLTT) quận Bình Tân – Chi cục QLTT TP.HCM vừa kiểm tra, phát hiện một chi nhánh Cty TNHH tại phường Bình Trị Đông A sản xuất sữa bột nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ 10 bao sữa bột ngoại nhập, tương đương 210kg không có chứng từ. Đội QLTT 6B kiểm tra một Cty TNHH chuyên buôn bán sữa bột tại phường 11, quận 6 cũng phát hiện Cty này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP…Rõ ràng, người dân thành phố đang buộc phải sống chung với thực phẩm bẩn, chấp nhận sự mất an toàn đối với sức khỏe bản thân và gia đình như một thực tế bình thường. Trong khi cơ quan chức năng dù có “căng sức” đấu tranh thì cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Vẫn là câu chuyện chế tài xử phạt

Ông Đặng Văn Đức – Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, qua kiểm tra phần lớn vi phạm là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ thực phẩm không có chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu. Đối với thực phẩm nhập khẩu, có trường hợp cửa hàng mua sỉ về thì có dán nhãn phụ, nhưng về bán lẻ lại gỡ ra để không cho người mua biết thông tin, địa chỉ Cty nhập khẩu (sợ mất mối). Tình trạng một số cơ sở sản xuất chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng đã đưa hàng ra bán trên thị trường vẫn còn xảy ra. Chức năng của QLTT là kiểm tra các hoạt động thương mại, công nghiệp, không phải là đơn vị chuyên về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng có liên quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Vì thế không có trang thiết bị cho kiểm tra VSATTP, phải phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, các trung tâm y tế quận huyện, mất nhiều thời gian. Mặt khác, thành phố không có kho lạnh riêng để tạm giữ thực phẩm, nông sản kiểm tra chờ xử lý, phải đi thuê kho tốn chi phí, cho nên hạn chế kiểm tra.

Trong khi đó, Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về y tế đến nay không phù hợp với thực tế. Mức phạt theo hành vi, không theo giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm, không phân biệt hộ kinh doanh nhỏ lẻ và doanh nghiệp, nếu áp dụng đối với hộ buôn bán nhỏ thì không khả thi, trong khi phần lớn vi phạm về VSATTP phần lớn là hộ kinh doanh. “Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây, theo tôi cần sớm có Nghị định riêng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VSATTP” - ông Đức đề nghị.

Ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, mô hình chuỗi thực phẩm an toàn tại TP.HCM được thành phố quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng, đánh bắt, lưu thông, chế biến, ở mỗi khâu đều chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm, nhưng ông cũng thừa nhận, thực phẩm an toàn chỉ đủ tiêu thụ trong những khách sạn hạng sang, người dân khó tiếp cận. Do vậy thành phố đang tiếp tục xây dựng và thẩm định một số chuỗi thực phẩm an toàn khác để áp dụng vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế và người dân dễ tiếp cận, thực hành.

Đó là câu chuyện lâu dài, còn trước mắt người tiêu dùng vẫn chỉ biết cầu mong các cơ sở sản xuất có trách nhiệm và lương tâm với cộng đồng…

Mị Na

Đọc thêm