Dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, lực lượng dự bị động viên (DBĐV) hùng hậu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhằm thực hiện “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Luật DQTV và Luật Lực lượng DBĐV cùng được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Hai luật này đã thể chế đầy đủ đường lối, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu cho biết, DQTV là lực lượng vũ trang (LLVT) quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.
Điều 17 Luật Dân quân tự vệ nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động 12 tháng trở lên được tổ chức đơn vị tự vệ. Theo đó, doanh nghiệp được tự tổ chức đơn vị tự vệ khi đáp ứng đủ các điều kiện:
Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện;
Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên;
Có số người lao động đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ;
Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án và kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động và phù hợp với tổ chức, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dân quân thường trực được hưởng BHXH, BHYT là một trong những chính sách mới được bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng DQTV trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện.
Theo đó, từ 1/7/2020, dân quân thường trực sẽ được: Trợ cấp ngày công lao động;
Bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ);
Hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
Trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ DQTV;
Hưởng trợ cấp 1 lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình;
Hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ.
Xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng cao
Thiếu tướng Lương Quang Cương, Phó Cục trưởng Cục DQTV cho biết, lực lượng DBĐV bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của QĐND.
Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.
Việc ban hành Luật Lực lượng DBĐV nhằm phù hợp với chủ trương, quan điểm mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV.
Luật bổ sung quy định bảo đảm quyền về tài sản của tổ chức, công dân đối với phương tiện kỹ thuật dự bị phù hợp với Hiến pháp năm 2013, cụ thể là chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được bồi thường thiệt hại trong các trường hợp; về cơ sở huấn luyện cấp tỉnh đối với các địa phương nhằm khắc phục, nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, phù hợp thực tế.
Luật cũng bổ sung quy định các trường hợp được huy động lực lượng DBĐV, như thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Hay quy định về chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị được hưởng phụ cấp, đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động.
Luật quy định 4 trường hợp huy động lực lượng DBĐV gồm: Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; khi thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
Ngày 8/10, Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Luật DQTV và Luật Lực lượng DBĐV. Hai Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam là Trung tướng Ngô Minh Tiến và Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan BQP, các cơ quan bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty. Hội nghị kết nối trực tuyến 181 điểm cầu tại các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng trong toàn quân.
Hội nghị đã giới thiệu 8 chuyên đề cho cán bộ chủ trì các cấp trong và ngoài quân đội về nội dung cơ bản của Luật DQTV năm 2019, Luật Lực lượng DBĐV năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị triển khai thi hành Luật, bảo đảm thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.