Đây là một trong các toạ đàm được tổ chức tại các khu vực Bắc, Trung, Nam của cả nước. Riêng tại Đà Nẵng lần này, với những nỗ lực và kết quả đạt được trên các lĩnh vực của thành phố thời gian qua rất cần được đánh giá để phát huy nhân rộng. Đặc biệt, Đà Nẵng hiện đang là đô thị trung tâm quốc gia, đầu mối kinh tế- xã hội của khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Trong nhiều năm qua, TP là địa phương liên tục giữ vững thứ hạng cao về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, quản trị và hành chính công cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại Toạ đàm, nhiều tham luận được đưa ra và thu hút được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt các nội dung về môi trường kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp; định hướng và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại Đà Nẵng; cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; về thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng…
Nhiều thực trạng và giải pháp khi thực hiện pháp luật kinh tế tại Đà Nẵng được các đại biểu đưa ra tại hội nghị. |
Về lĩnh vực môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vùng Nam Trung Bộ, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ cho rằng, các nhân tố đặc trưng của doanh nghiệp: vốn, lao động, tuổi doanh nghiệp và năng suất lao động là những nhân tố quan trọng có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các SME của vùng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại, đa số các SME ở vùng Nam Trung Bộ là các doanh nghiệp thâm dụng lao động cao. Đáng chú ý, các doanh nghiệp tư nhân đạt được sự vượt trội về mặt doanh thu song lại thấp hơn đáng kể về lợi nhuận so với các loại hình doanh nghiệp khác.
TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ tham luận về lĩnh vực môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Nam Trung Bộ. |
Ngoài ra, quy mô thị trường nội tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của các SME vùng Nam Trung Bộ. Trong khi đó, các SME tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại có hiệu quả kinh doanh thấp hơn so với các SME ở các tỉnh còn lại. Liên quan đến môi trường kinh doanh và năng lực quản trị địa phương, các kết quả ước lượng đều khẳng định, môi trường vĩ mô và chất lượng thể chế địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự thành công của các SME tại vùng Nam Trung Bộ.
Riêng lĩnh vực định hướng và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại Đà Nẵng, ông Lê Minh Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Khu vực có nhiều lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này đến nay còn rất hạn chế. Vì vậy, cần phải có sự nỗ lực từ cả chính phủ và địa phương. Chính phủ đôn đốc các địa phương thực hiện thật nhanh và có hiệu quả công tác quy hoạch, đặc biệt các ngành về phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển xanh; Tăng cường đối thoại giữa Bộ NN và PTNN, địa phương với hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong hoạt động của các dự án nông nghiệp.
Đối với địa phương, cần chú trọng “Liên kết vùng” gắn với “Tư duy phát triển”. Việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành sẽ tạo động lực, sức mạnh tổng hợp hỗ trợ nhau thu hút FDI có hiệu quả vào phát triển nông nghiệp bền vững và giải quyết tốt các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Minh Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Bộ Kế hoach và Đầu tư chỉ ra định hướng và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. |
Về thực tiễn thực hiện quy định về thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Sang, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ thành phố cho rằng, việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định: “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Tầm nhìn đến năm 2045 thành phố “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
Xác định được vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các hoạt động KNĐMST, từng bước tạo phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Ngoài ra, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực để triển khai các hoạt động KNĐMST, thành phố đã hỗ trợ, khuyến khích các trường đại học, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm, các không gian sáng tạo, khu làm việc chung, câu lạc bộ về KNĐMST. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 01 Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST thành phố; 02 Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học; 09 vườn ươm; 04 không gian sáng tạo; 09 không gian làm việc chung; 05 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng và cộng đồng các doanh nghiệp KNĐMST.
Tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: “Tất cả các ý kiến của các đại biểu sẽ được các thành viên đề tài nghiêm túc nghiên cứu, đặc biệt là những phát hiện về các bất cập của pháp luật và những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội… Tất cả những phát hiện đó, những gợi mở đó sẽ được kết nối với nhau để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và tìm kiếm những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tầm nhìn nhằm mục đích tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.”