Thuế ấn định bất nhất, doanh nghiệp rối bời

6 năm liền nộp thuế nhập khẩu 3%, bỗng "một ngày đẹp trời" DN nhận thông báo bị truy thu thuế theo mức 20%. Con dấu đóng vào căn cứ để truy thu hôm nay cũng chính là con dấu đã đóng vào căn cứ áp mức thuế suất mà DN thực hiện lâu nay.

6 năm liền nộp thuế nhập khẩu 3%, bỗng "một ngày đẹp trời" DN nhận thông báo bị truy thu thuế theo mức 20%. Con dấu đóng vào căn cứ để truy thu hôm nay cũng chính là con dấu đã đóng vào căn cứ áp mức thuế suất mà DN thực hiện lâu nay.

Ấn định thuế thuế tùy tiện?

Theo phản ánh từ phía Cty Gia Linh, từ năm 2007, công ty thường xuyên nhập khẩu mặt hàng “Bộ phận trao đổi nhiệt, thường lắp kèm với quạt thông gió để tạo độ ẩm và làm mát cho nhà xưởng công nghiệp”. Hai lô hàng Cty Gia Linh nhập tháng 12/2006 và tháng 3/2007, công ty đã khai thuế vào chương 48, thuế nhập khẩu là 10%.

Sau đó Hải quan Hải Phòng lấy mẫu gửi đi phân tích phân loại và có kết quả do Trung tâm phân tích, phân loại Miền Bắc (TTPTPL) thông báo là hàng được áp vào chương 84 mã số theo biểu thuế là 8419, thuế nhập khẩu 3%. Theo đó, Cty Gia Linh đã được Cục hải quan Hải Phòng hướng dẫn khai mã thuế nhập khẩu và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu bằng Quyết định số 404 của Chi cục hải quan đầu tư gia công.

Sáu năm sau Cục hải quan Hải Phòng lại ra quyết định ấn định mặt hàng này vào chương 48, truy thu lại thuế của những mặt hàng mà họ đã đã điều chỉnh giảm 6 năm trước đó. Việc truy thu này, chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng, khi thời điểm DN đang phải đối mặt với những khó khăn.

Trước thời điểm tháng 8/2010, TTPTPL cũng phải thừa nhận mặt hàng này áp mã vào chương 8419 là đúng, thể hiện trong Công văn số 269/PTPL-NV ngày 25/3/2013. Chính vì vậy từ thời điểm tháng 8/2010 trở về trước, hầu hết các DN nhập khẩu mặt hàng này đều áp mã vào chương 84 (thuế nhập khẩu 3%), không biết Hải quan Hải Phòng đã truy thu được bao nhiêu công ty, DN?. Không biết có bao nhiêu công ty, DN bị "quên" không “bị” truy thu?.

Tại sao Chi cục kiểm tra sau thông quan lại căn cứ vào Thông báo PTPL số 0058/CNHP-NV ngày 21/01/2013 để truy thu thuế từ năm 2007 mà không xem xét đến việc 2 thông báo PTPL của TTPTPL trước đó là Thông báo số 452/TCHQ-PTPLMB ngày 16/4/2007 và 689/CNPTPLHP-NV ngày 22/8/2012. Cả hai thông báo này đều khẳng định mặt hàng của Cty Gia Linh nhập được áp vào mã 8419 (thuế nhập khẩu 3%) là đúng.

Có thể khẳng định, việc khai mã số thuế hàng hóa nhập khẩu của Cty Gia Linh hoàn toàn không sai với kết quả phân tích của hai Trung tâm nói trên. Nhưng không hiểu sao, ngày 08/3/2013, “bất ngờ” Chi cục Kiểm tra sau thông quan – Cục Hải quan Hải Phòng lại ra Quyết định ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để truy thu số tiền hơn 2,1 tỷ đồng của Cty Gia Linh một cách khó hiểu, không có sự nhất quán, rõ ràng trong việc xử lý kiến nghị của DN.

Điều khó hiểu hơn nữa là việc Chi cục Kiểm tra sau thông quan lại căn cứ vào kết quả phân tích phân loại số 643 nào đó ngày 25/4/2011 của TTPTPL và kết quả số 0058/CNHP-NV ngày 21/3/2013 của TTPTPL hàng hóa xuất nhập khẩu Miền Bắc – chi nhánh tại Hải Phòng để ấn định thuế đối với Cty Gia Linh. Trong khi Cty Gia Linh nhập khẩu hàng hóa vẫn căn cứ vào kết quả phân tích năm 2007 đến 2012 do hai Trung tâm này “đẻ” ra và vẫn được Cục hải quan Hải Phòng chấp nhận cho thông quan.

Lúng túng từ Tổng Cục hải quan

Sau khi khiếu nại và đối thoại với Chi cục Hải quan sau thông quan  và Cục Hải quan Hải Phòng, tưởng rằng sự việc sẽ được giải quyết thỏa đáng, nhưng một lần nữa Cty Gia Linh phải thất vọng, bởi lẽ ngay trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan (Cục thuế xuất nhập khẩu) để xin ý kiến trước khi trả lời khiếu nại lần 2 khiếu nại của Cty Gia Linh, Cục hải quan Hải Phòng cũng đã có hai quan điểm khác nhau và chưa đưa ra được hướng giải quyết.

Cục hải quan Hải Phòng tiếp tục báo cáo Tổng cục Hải quan để có hướng dẫn cuối cùng về phân loại mặt hàng nêu trên, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo giải quyết khiếu nại đối với trường hợp Cty Gia Linh.

Đáng lẽ trong trường hợp này, Tổng cục Hải quan phải đưa ra được hướng giải quyết cho DN nhưng Tổng cục Hải quan lại lúng túng và "rũ rối" khi đưa ra ý kiến trả lời: “Trong khi chưa có kết luận chính thức về mã số cho mặt hàng “Giấy làn sóng để làm mát” thì đề nghị Cục Hải quan TP.Hải Phòng phân loại theo thông báo kết quả phân tích số 0058/CNHP-NV ngày 21/1/2013 của Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Như vậy, với việc trả lời này, Hải quan Hải Phòng cũng chẳng giải quyết được gì, còn DN thì “buộc” phải nộp tiền, không biết đến khi nào mới lấy được ra?.

Theo chúng tôi, việc nhập khẩu hàng hóa và chịu mức thuế là do các cơ quan nhà nước ấn định theo đúng quy định của pháp luật; tuy nhiên câu chuyện bị truy thu thuế của Cty Gia Linh không lớn với đại cộng đồng DN trong cả nước nhưng qua đây cho thấy phần nào ngành Hải quan còn nhiều bất cập, chính những bất cập này đã đẩy DN vào khó khăn chưa, chưa có “lối thoát”.

Thông tư 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:“Kết quả phân tích, phân loại do trung tâm phân tích phân loại thông báo là cơ sở để cơ quan hải quan xác định tên gọi, mã số, mức thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu. Trung tâm phân tích phân loại chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả phân tích phân loại”.

Hoài Lam

Đọc thêm