Thuốc lá điện tử 'thập diện mai phục' học đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bằng cách mời mọc, rủ rê bạn bè “chơi chung”, “thử phê khói”, “chỉ ngầu chứ không nghiện”, tặng tiền cho những người sử dụng đầu tiên… cạm bẫy thuốc lá điện tử giăng ra khắp nơi như muốn “nuốt” nạn nhân là học sinh, sinh viên trong làn khói trắng.
Một số học sinh hút thuốc lá điện tử vì suy nghĩ sai lầm là chỉ ngầu chứ không nghiện. (Ảnh minh họa)
Một số học sinh hút thuốc lá điện tử vì suy nghĩ sai lầm là chỉ ngầu chứ không nghiện. (Ảnh minh họa)

Những cạm bẫy…

Một số phụ huynh và học sinh của Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh, chiều 19/3/2023, có 5 đối tượng là nữ mang thuốc lá điện tử đến mời gọi trẻ em sử dụng ở công viên với hứa hẹn: “Hút và rủ thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu thuốc lá điện tử và thêm 50.000 đồng”. Kết quả, một số trẻ em tham gia hút thử.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13 đến 18 tuổi gia tăng ở cả hai giới, ở nhóm trên 15 tuổi từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020; ở nhóm 13 - 15 tuổi tỷ lệ sử dụng là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Trên thực tế, cách đây chưa lâu, nhóm học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã chung nhau hút thuốc lá điện tử dẫn đến 8 em có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn phải nhập viện Bạch Mai kiểm tra sức khoẻ. Nguyên nhân được cho là, một học sinh về quê nhặt được một điếu thuốc lá điện tử, lén gia đình mang lên lớp rủ các bạn hút cùng.

Tại một lớp học võ trên địa bàn phường Tân Vĩnh Hiệp (TX Tân Uyên, Bình Dương), bé gái V.A (8 tuổi) trong bộ đồng phục thể dục bất ngờ cầm trên tay một “con pod” (thuốc lá điện tử) loại sạc, có hình dáng như một chiếc hộp quẹt. Trên chiếc hộp nhựa màu xanh dương có dòng chữ “game box”. V.A và các bạn vì tò mò mà chuyền tay nhau thì bị thầy giáo phát hiện. Em V.A thật thà cho biết có người đưa em giữ giùm.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, xuất hiện một số đối tượng buôn bán thuốc lá điện tử với số lượng lớn, điển hình vào tháng 11/2022, Công an thành phố Kon Tum đã phát hiện xử lý 1 đối tượng, thu giữ 585 cây thuốc lá điện tử và 10 “bình bóng cười”; ngoài ra, đã xác định được một số học sinh tại 1 trường học có sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 1 em trực tiếp bán thuốc lá điện tử cho bạn bè cùng sử dụng.

Có thể thấy, thuốc lá điện tử đang “tìm” mọi ngóc ngách để luồn lách đến đối tượng khách hàng trẻ với tần suất tương đối lớn, xuất hiện ở nhiều vùng miền của đất nước. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Thông tin cảnh báo về mối nguy hại thuốc lá điện tử trong trường học và các chiêu trò dụ dỗ tinh vi đã được chúng tôi tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các đơn vị trực thuộc, nhất là các nhà trường. Từ đây, các nhà trường cũng phải tích cực tuyên truyền, giám sát chặt chẽ, có phương án phù hợp nhằm ngăn chặn việc học sinh bị dụ dỗ sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử có tác hại rất lớn. Các em chưa đủ phát triển về tâm sinh lý, chưa đủ tuổi để sử dụng theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cũng ra lời cảnh báo trước tình hình phức tạp của hoạt động tội phạm, nhất là chiêu thức mới nhắm đến đối tượng là học sinh tiểu học. Theo đó, UBND quận Ba Đình yêu cầu các trường học trên địa bàn cố gắng lan tỏa thông tin để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra; Tích cực tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh phối kết hợp trong công tác quản lý học sinh, mặt khác tăng cường bảo đảm an ninh ngoài khu vực cổng trường; Triển khai các nội dung thông báo đến học sinh các lớp cũng như hội nhóm phụ huynh của toàn trường; Các nội dung phòng ngừa, tuyên truyền pháp luật, cảnh giác trước đối tượng lạ mặt hoặc các cuộc gọi từ người không quen nhằm mục đích lừa đảo… để phụ huynh và học sinh nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy lừa đảo.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã có thông tin cảnh báo tới cha mẹ học sinh về phòng, chống thuốc lá điện tử. “Thời gian qua, các trường học cũng đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, các nguy cơ để phòng tránh. Bằng các hình thức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt lớp, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT cũng sẽ yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh”, bà Giang nói. Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cũng yêu cầu tất cả các trường thông báo, cảnh báo tới cha mẹ học sinh được biết để cảnh giác.

Khói thuốc “thập diện mai phục” học đường. (Ảnh minh họa)

Khói thuốc “thập diện mai phục” học đường. (Ảnh minh họa)

Làm “người hùng” 1 giây, “nô lệ” khói thuốc cả đời

Ở độ tuổi mới lớn, các em thường bị thu hút bởi nhiều thứ “lạ” và tò mò muốn khám phá, muốn thử. Đôi khi vì tâm lý sỹ diện, thích làm “anh hùng” mà các em khó khước từ lời mời gọi của bạn bè.

Thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, thời trang, có thể giống điếu thuốc lá hoặc như chiếc bút, hình thỏi son, có màu sắc sặc sỡ, thiết kế đẹp và nhỏ gọn,… nên được học sinh - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá rất ưa chuộng vì dễ dàng cất giấu phụ huynh, thầy cô để có thể mang về nhà, vào lớp học mà không bị phát hiện.

Hơn nữa, sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm đa dạng, hấp dẫn của kẹo ngọt, trái cây, cà phê, bạc hà,… cùng lời quảng cáo không gây hại, là văn hóa hút thuốc lành mạnh, sành điệu, vô hại đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn”. Hút thuốc lá ở độ tuổi thiếu niên là một dạng nổi loạn hoặc một cách đua đòi với nhóm bạn. Một số thiếu niên hút thuốc với mong muốn giảm cân hoặc hài lòng hơn với bản thân; một số khác lại hút thuốc vì muốn có cảm giác lạnh lùng hoặc độc lập.

Vì những điều này, các em rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những công việc, hành vi sai lệch. Hút thuốc lá truyền thống hay hút thuốc lá điện tử cũng là một trong những hành vi không tốt rất nhiều bạn trẻ đang làm.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử hay là thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng xâm nhập vào các trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh. Thời gian gần đây, số học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử được bán trôi nổi và tràn lan trên mạng, có em còn bị ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.

Sáng 29/9/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nữ 14 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hoá chất có hại, theo dõi ngộ độc Nicotine. Theo lời kể, bệnh nhân cùng nhóm bạn được cho 1 loại thuốc lá điện tử, sau khi hút thử bệnh nhân co giật, mất ý thức và phải đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện, bệnh nhân được cấp cứu và xử trí truyền dịch, thở oxy… đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục được theo dõi và điều trị. Chỉ trong vòng 1 tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận ít nhất 5 trường hợp bệnh nhân là học sinh nhập viện do ngộ độc Nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, trong thời gian tới, lực lượng công an các tỉnh, thành sẽ chủ động phối hợp với ngành GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử nhằm nâng cao cảnh giác, ý thức của các em học sinh, không để đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử. Tăng cường công tác nắm tình hình, xác định các địa điểm, trường học có các học sinh, trẻ em, thanh, thiếu niên tụ tập hút thuốc lá điện tử để kịp thời xác minh, phối hợp với nhà trường và gia đình răn đe, phòng ngừa các hậu quả xấu có thể xảy ra. Tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, cá nhân có biểu hiện, nghi vấn tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ để kịp thời phát hiện, xử lý.

Các nhà quản lý giáo dục cần có cẩm nang an toàn trường học để cập nhật tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, thậm chí trên không gian mạng. Ngoài ra, trong bối cảnh thường xuyên xuất hiện các nội dung mới như: ma tuý tẩm thực phẩm, thuốc lá điện tử thế hệ mới ngụy trang như đồ chơi… cũng cần được cập nhật để sớm cảnh báo phụ huynh, học sinh kịp thời.

Các bậc phụ huynh, mỗi gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con mình với bạn bè, nếu thấy những lọ tinh dầu, mùi thơm khác lạ trong phòng của các con hoặc trên quần áo, sách vở thì cần có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở kịp thời, khuyến khích cho các con có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Đọc thêm