Thuốc lá thế hệ mới và thuốc lá điếu: Loại nào gây hại hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, nhiều tranh luận đã diễn ra về mức độ gây hại của các loại mới này so với thuốc lá điếu.

Có nhiều ý kiến cho rằng thuốc lá thế hệ mới gây hại bằng hoặc hơn so với thuốc lá điếu, nhưng tại sao các tổ chức y tế quốc tế trên toàn cầu, trong đó bao gồm cả Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại kiểm nghiệm và khẳng định các sản phẩm qua kiểm nghiệm lại giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu và phù hợp với mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng?

Có hắc-ín (Tar) trong thuốc lá thế hệ mới hay không?

Theo báo cáo của Tổng hội Y sĩ Hoa Kỳ năm 2010, con số các chất độc trong khói thuốc được tìm thấy tương đương 7.000 chất. Một trong các chất gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là hắc-ín (hay còn gọi là Tar).

Tar là một loại nhựa thuốc lá sản sinh sau quá trình cô đặc của khói thuốc. Trong nhựa thuốc lá có hàng ngàn chất hóa học và trong số đó là các chất gây ung thư. Bình thường, khí quản được bao phủ bởi những sợi lông nhỏ, gọi là tiêm mao để ngăn mầm bệnh và những chất khác ra khỏi phổi. Nhiệm vụ của tiêm mao sẽ trở nên khó khăn khi khí quản và phổi bị hắc ín bám vào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố các thuốc lá không đốt cháy (không có diễn ra sự cháy) sẽ không chứa hắc ín hay cacbon monoxit. Đây là hai thành phần gây hại nhất trong khói thuốc. Dù vậy, những sản phẩm này vẫn chứa các hóa chất khác có trong khói thuốc lá, nhưng ở hàm lượng thấp hơn nhiều.

Các sản phẩm không khói là tên gọi khác của thuốc lá thế hệ mới. Điểm chung của những sản phẩm này là không có quá trình đốt cháy ở nhiệt độ 600 – 800 độ C nên không tạo ra tàn, khói cũng như tar. Thuốc lá thế hệ mới hiện có hai loại phổ biến và đang được đề cập nhiều tại Việt Nam là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Theo các tổ chức y tế các nước công bố về cơ chế hoạt động, thuốc lá làm nóng sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên còn thuốc lá điện tử sẽ làm nóng dung dịch thường có chứa nicotin. Cả hai sản phẩm này đều cùng làm nóng ở nhiệt độ dưới 350 độ C để tạo ra nicotin.

Riêng thuốc lá điện tử lại được chia ra làm hai loại sản phẩm bao gồm hệ thống đóng (closed system) và hệ thống mở (open system). Đối với hệ thống đóng, người dùng không thể phối trộn tinh dầu hay bất kỳ sản phẩm nào khác mà phải sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đối với hệ thống mở, người dùng có thể tự “can thiệp” bằng cách thêm các chất, hương vị khác từ bên ngoài vào. Đây là điểm gây tranh luận giữa các nhà quản lý khi thiếu thông tin đối với sự đa dạng của các loại sản phẩm thuốc lá điện tử và cho rằng mọi loại thuốc lá điện tử đều hoạt động theo cơ chế mở và gây hại như nhau.

Thêm nhiều căn cứ khoa học “bảo vệ” thuốc lá thế hệ mới

Không phủ nhận thuốc lá thế hệ mới vẫn tạo ra một số chất không có trong thuốc lá, nhưng đến nay khoa học vẫn chưa xác định mức độ gây hại và đến nay các nghiên cứu vẫn được tiếp diễn. Mặt khác, nicotine là chất gây nghiện tác động lên hệ thần kinh dẫn đến dễ hút khó bỏ, do vậy cai mọi sản phẩm thuốc lá và nicotine là cần thiết cho sức khỏe lâu dài.

Nhưng nghịch lý là không phải người hút thuốc nào cũng tình nguyện và đủ ý chí quyết tâm cai thuốc cũng như cai thành công. Điều này đã được xác nhận bởi các tổ chức y tế các nước cũng như các chuyên gia y tế thông qua các nghiên cứu đánh giá tình trạng bỏ thuốc lá trên toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Do vậy, việc chấp nhận sự hiện diện của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là hướng tiếp cận đúng đắn trong chiến lược kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu.

Hiện đã có nhiều nghiên cứu độc lập đến từ cơ quan y tế các nước đều đồng khẳng định về mức độ giảm tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Đây chính là những căn cứ khoa học giúp cho các nhà quản lý các quốc gia lựa chọn giữa việc tiếp tục để người hút thuốc hút thuốc lá điếu gây hại nhất hay khuyến khích họ lựa chọn giải pháp giảm tác hại hơn.

Năm 2017, Viện Nghiên cứu Liên bang Đức tiến hành đánh giá về Đánh giá Rủi ro (Federal Institute for Risk Assessment - BfR) và được công bố trên tạp chí Độc học tháng 4/2018. Nhóm nghiên cứu phân tích các thành phần nicotin, nước, aldehyd và các hợp chất hữu cơ bay hơi khác có trong thuốc lá làm nóng và thuốc lá truyền thống. Kết quả cho thấy có sự giảm đáng kể hàm lượng aldehyd (80-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi (97-99%) của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá truyền thống.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (Public Health England) cũng đánh giá các sản phẩm thuốc lá điện tử là ít độc hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu truyền thống. Ngoài ra đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thành phần các chất độc hại trong sol khí của thuốc lá điện tử ít hơn 95% so với khói của thuốc lá điếu truyền thống.

Tại Nhật Bản, nghiên cứu của Hirano và các cộng sự thuộc Cục Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi đã so sánh hàm lượng nicotin và các hạt chất rắn (PM2.5) trong không khí. Theo đó, Bộ Y tế Nhật kết luận rằng, “sự phơi nhiễm của cơ thể với khí hơi aerosol của thuốc lá làm nóng không giống như khói của thuốc lá điếu đốt cháy”.

Từ năm 2019 đến nay, FDA Hoa Kỳ đã chính thức cho phép hai sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử trong hàng loạt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang có mặt trên toàn cầu, được phép công bố đã qua kiểm duyệt.

Theo đó, để có được sự chấp thuận của FDA, các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử được công bố phải là những sản phẩm chứng minh khả năng giảm tác hại và không gây tác động tiêu cực đến cộng đồng. Điều này có nghĩa, các nhà sản xuất sản phẩm phải thiết kế sản phẩm và kiểm soát để sản phẩm không có điều kiện tiếp cận đến giới trẻ và những người chưa từng hút thuốc hoặc đã cai thuốc.

Đọc thêm