Thuốc 'made in Việt Nam' loay hoay tìm đường đến với người nghiện ma túy

(PLO) -  Sản phẩm được xem là điểm sáng trong bức tranh điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam vẫn trong tình trạng bế tắc, loay hoay nhiều năm nay.
Thuốc Cedemex được kỳ vọng sẽ mở ra hướng điều trị mới nghiện ma túy ở Việt Nam
Thuốc Cedemex được kỳ vọng sẽ mở ra hướng điều trị mới nghiện ma túy ở Việt Nam

Thuốc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy “made in Việt Nam”- Cedemex - mới đây được giới thiệu tại Hội nghị phòng chống ma túy “ASEAN – Drug Monnitoring Report” mở ra giải pháp mới đầy triển vọng trong điều trị cho người nghiện nếu được đưa vào ứng dụng rộng rãi theo chương trình quốc gia.

Hướng điều trị nghiện ma túy mới

Cedemex là thuốc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy, sản phẩm của đề tài cấp Bộ Y tế, cấp Nhà nước và Hợp tác Quốc tế với Trung Quốc.  Từ năm 1995, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo (Viện Radiner) đã bào chế thành công thuốc Cedemex được đánh giá tính an toàn và hiệu lực đối với hơn 200 người nghiện ma túy tình nguyện (nhóm Opiates). 

Năm 2003, Cedemex được Hội đồng khoa học nghiệm thu Nhà nước đánh giá có tính an toàn và hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy, bình ổn được nhiều triệu chứng của hội chứng cai, nhất là hai triệu chứng thèm đói ma túy và dị cảm (dòi bò). Thuốc Cedemex sản xuất hoàn toàn trong nước từ dược liệu, có tính an toàn và hiệu lực cao trong cắt cơn nghiện, không độc, không gây nghiện.

Năm 2004, Bộ Y tế đã cho phép ứng dụng Cedemex tại các trung tâm cai nghiện, đến 2015 đã điều trị cho hơn 10 nghìn người nghiện dưới phác đồ hỗ trợ cắt cơn. Giai đoạn 2013-2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó (Văn bản số 2555/VPCP-KGVX, ngày 1/4/2013), Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng và Viện Radiner đánh giá khả năng hỗ trợ điều trị nghiện ma túy của Cedemex theo kết quả nghiên cứu cơ chế của thuốc Cedemex tại Trung Quốc. 

Bộ Y tế đã có Quyết định số 407/QĐ-BYT giao cho Viện thực hiện “Nghiên cứu triển khai, đánh giá hiệu quả của thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy nhóm Opiates tại cộng đồng”. Năm 2015, Hội đồng khoa học Bộ Y tế đã chính thức nghiệm thu đề tài nói trên và kết luận: “Đây là đề tài thuốc có nguồn gốc thảo dược ở Việt Nam đầu tiên được nghiên cứu theo y học hiện đại từ mức cơ quan, tế bào, phân tử và gien từ cấp Bộ Y tế đến cấp Nhà nước đến hợp tác quốc tế theo nghị định thư khóa V giữa Việt Nam và Trung Quốc”. 

Thuốc Cedemex ngoài cắt cơn êm dịu, còn giải quyết được sự lệ thuộc vào sinh học và tâm lý với chất ma túy. Cedemex đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, nghiện ma túy có thể điều trị thành công khi phối hợp đồng bộ ba yếu tố: Cedemex + Quyết tâm của người nghiện + Sự quan tâm giúp đỡ của gia đình và xã hội”. 

Với kết quả hơn 30% số người không tái nghiện sau 30 tháng hòa nhập cộng đồng đã mở ra một hướng đi mới trong điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam. Bộ Y tế đã có Quyết định 5635/QĐ-BYT, ngày 31/12/2015, công nhận kết quả nghiên cứu của đề tài và cho phép thuốc Cedemex được ứng dụng tại cộng đồng.  Sau đó, một số địa phương như Thái Nguyên, Hưng Yên, Lai Châu, Kiên Giang đã ứng dụng theo phác đồ hỗ trợ điều trị nghiện ma túy của Cedemex.

Cedemex- sản phẩm thuốc hỗ trợ cai nghiện “made in Việt Nam”
Cedemex- sản phẩm thuốc hỗ trợ cai nghiện “made in Việt Nam”

Cần nhân rộng tại cộng đồng bằng chương trình quốc gia

Thành công của Cedemex chỉ là điểm sáng nhỏ trong bức tranh điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam vẫn trong tình trạng bế tắc và loay hoay nhiều năm nay. Phần lớn người nghiện đều “bất đắc dĩ” trở thành học viên trong các trại cai nghiện, nhưng giải pháp này chỉ tức thời vì “mèo vẫn hoàn mèo”, cá biệt, có người tái nghiện ngay sau khi vừa bước ra khỏi trung tâm. Người có quyết tâm cao thì loay hoay “vái tứ phương” tìm thuốc nhưng chỉ số ít thành công, còn lại phần lớn “xói mòn” do bệnh tật, thậm chí cả “sốc” ma túy qua đời.

Một giải phổ biến hiện nay là cho người nghiện uống Methadol - một chất nghiện thay thế, được Chính phủ kiểm soát cấp phép cho người nghiện. Nhưng bản chất, đó chỉ là giải pháp tình thế trong lúc thế giới chưa tìm ra thuốc đặc hiệu, người nghiện ma túy vẫn là “con nghiện”, khác về hình thức chỉ là chuyển từ dạng này sang dạng khác, và nó không phải là thuốc chữa cai nghiện.

Hơn nữa, thực trạng hiện nay, Methadol đã tưởng như thoái trào vì hoàn toàn vô hại với những người nghiện ma túy tổng hợp đang tăng lên rất nhanh. Đồng thời, rất nhiều người nghiện vừa uống Methadone nhưng vẫn sử dụng song hành cả ma túy nhóm Opiates. Qua đó, chưa thể đưa người nghiện tái hòa nhập cộng đồng một cách toàn diện được.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Phú Kiều – Viện trưởng Viện Radiner, nguyên nhân của thực trạng trên là vì lâu nay chúng ta chỉ vẫn điều trị cắt cơn và chữa triệu chứng chưa chữa trị nguyên nhân, hoặc dùng chất nghiện thay thế là Methadone,  sau đó người nghiện vẫn dùng ma túy là tất yếu, vì họ vẫn là người nghiện.

Trong bức tranh về điều trị ma túy ảm đạm như vậy, nhưng Cedemex vẫn tìm cho mình lối đi thành công riêng nhờ tính hiệu quả. Sản phẩm đã lan tỏa ra quốc tế, một số quốc gia như Campuchia, Nga… đang có những chương trình phối hợp, hợp tác phát triển và ứng dụng Cedemex trong điều trị cho người nghiện.

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy năm 2018, tại Hà Nội, Cedemex là thuốc cai nghiện duy nhất được Việt Nam giới thiệu trong Báo cáo giám sát ma túy khu vực Asean 2017. Báo cáo giới thiệu về mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy bằng Cedemex tại cộng đồng, đánh giá ưu điểm người nghiện bình phục nhanh, ăn ngủ tốt, tâm lý thoải mái, điều trị kéo dài giúp đề kháng tính lệ thuộc tinh thần vào chất ma túy, nên tỷ lệ không sử dụng lại ma túy tăng cao, không có tác dụng phụ.

Một điểm sáng nữa, thực tiễn, trong quá trình thí điểm mô hình cai nghiện tại cộng đồng, rất nhiều người nghiện ma túy tổng hợp cũng đã thoát nghiện nhờ Cedemex. Và từ đó, Cedemex được Hội đồng khoa học Bộ Y tế đề nghị Bộ Y tế tiếp tục giao cho Viện Radiner nghiên cứu hiệu quả hỗ trợ điều trị của Cedemex với nghiện ma túy tổng hợp. 

Bằng các kết quả nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị, Cedemex đã chứng tỏ là một loại thuốc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy an toàn, hiệu quả cao, đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và ứng dụng rộng rãi trong điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. 

Đồng thời, thực hiện chủ trương đổi mới sáng tạo, sử dụng sản phẩm nội địa nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, cũng như tích cực nhân rộng mô hình cai nghiên bằng thuốc Đông y do Việt Nam sản xuất, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam có Văn bản số 1249/VPCP-KGVX, ngày 29/2/2016, gửi Bộ Y tế, Bộ Lao Động - Thương Binh & Xã Hội cùng các cơ quan chức năng kiến nghị đưa thuốc Cedemex vào “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020” cùng với liệu pháp Methadone. Nhưng đến nay việc triển khai đưa vào ứng dụng chưa được thực hiện, trong khi nhu cầu sử dụng Cedemex để điều trị cho các bệnh nhân nghiện Opiates tại các địa phương là rất lớn song chưa thực hiện được do vấn đề kinh phí.

Nhiều chuyên gia y tế nhìn nhận, nếu Cedemex sớm được đưa vào ứng dụng rộng rãi song hành cùng với Methadone sẽ góp phần có hiệu quả cao hơn trong điều trị nghiện ma túy tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS có nơi lên đến 70-85% trong tổng số người nghiện. 
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết,  Đến tháng 5/2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện ma túy (trong đó: 105 cơ sở công lập và 15 cơ sở dân lập), giảm 25 cơ sở, với 34.620 học viên đang thực hiện điều trị cai nghiện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, 6.438 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, trong đó: cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 3.230 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập là 1.200 học viên, cai nghiện tại cơ sở tư nhân là 610 lượt học viên; quản lý tại cơ sở xã hội 1.398 học viên (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).

Đọc thêm