Bán lẻ truyền thống “sốt” vì Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, doanh thu bán lẻ sụt giảm mạnh và kéo dài liên tục tại các thành phố lớn trên cả nước.
Theo ghi nhận, thời điểm hiện tại trên hầu hết các tuyến đường của TP Hà Nội như: Nguyễn Chí Thanh; Kim Mã; Cầu Giấy… các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, Beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ trên 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc đều đã đóng cửa, đặc biệt sau Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người, tạm đình chỉ cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đến ngày 15/4.
Trước đó, từ cuối tháng 1/2020 nhiều cửa hàng phải đóng cửa, treo biển cho thuê, trả lại mặt bằng vì không có khách, không thể trả được chi phi thuê mặt bằng quá cao… Thậm chí các “ông lớn” trong ngành bán lẻ cũng trở nên điêu đứng, doanh thu sụt giảm. Có doanh nghiệp cho 80% nhân viên nghỉ việc vì thiệt hại nặng nề do Covid-19.
Theo công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho thấy, chuỗi Thế giới di động và Điện thoại siêu rẻ của MWG không ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong 2 tháng.
Tương tự, một “ông lớn” trong ngành phân phối của thế giới DSKH (Dịch vụ Phát triển thị trường) cũng cho hay, doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới ½.
Số liệu mới công bố của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy tháng 2/2020, “nữ hoàng trang sức” này ghi nhận tăng trưởng chỉ 7% về doanh thu (đạt 1.978 tỷ đồng) và chỉ 2% về lợi nhuận sau thuế (đạt 177 tỷ đồng).
Tính toán cho thấy lũy kế 2 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 3.646 tỷ đồng (tăng trưởng 4%) và 344 tỷ đồng (tăng trưởng 5%).
Phía PNJ cho biết trong tháng 2, thị trường bán lẻ trang sức chịu ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và biến động mạnh của giá vàng. Dù vậy, doanh thu kênh lẻ của doanh nghiệp này vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều con số 34% của năm 2019.
Hay sản phẩm thương hiệu Vinacacao của Công ty CP Việt Nam Ca Cao - phủ sóng khắp các sân bay, trước khi có dịch doanh thu mỗi tháng đem về ít nhất là một tỷ đồng. Nhưng hiện doanh thu sản phẩm của công ty đã sụt giảm mạnh đến hơn 50%. Theo ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Ca Cao, đơn vị cũng đã cho hơn 80% nhân viên nghỉ việc.
Ngay cả thương hiệu Nestle, chỉ riêng thị trường tại Lâm Đồng cũng giảm đến 50% doanh số bán hàng…
Tình hình trên còn diễn ra tương tự tại ở các chợ dân sinh, nơi chiếm tỷ trọng 70-75% doanh số bán hàng tiêu dùng cho xã hội. Khảo sát ở một số chợ cho thấy doanh số đều bị sụt giảm khi có dịch, tương tự như ở kênh bán hàng hiện đại.
Thương mại điện tử, bán hàng online lên ngôi
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương Hà Nội, những ngày qua, trong khi doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại và chợ truyền thống có phần chững lại thì doanh số kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng trưởng. Theo báo cáo từ một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25 - 30%.
Cụ thể, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ qua bán hàng trực tuyến. Đơn cử, từ đầu tháng 2, hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ “gọi điện đặt hàng” và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết: Sau khi triển khai dịch vụ “gọi điện đặt hàng”, số đơn đặt hàng qua điện thoại đã tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 200% so với tháng trước.
Cũng như Big C, hệ thống siêu thị Co.op Mart bên cạnh bảo đảm nguồn hàng đã đẩy mạnh triển khai kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân cả nước. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông chia sẻ: Từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm qua điện thoại của hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường.
|
Khách mua sụt giảm, siêu thị chuyển sang bán hàng online |
Tương tự, trang thương mại điển tử Tiki cũng bận rộn không kém khi đơn hàng trên sàn này trong hai tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh. Trong những thời gian cao điểm, ước tính sàn phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục.
Đại diện Lotte Mart, nhà quản lý trang TMĐT SpeedL, cũng cho biết hệ thống đang tập trung mở rộng mua sắm online trong mùa cao điểm. Số lượng đơn hàng của sàn này tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho trang online cũng đã tăng gấp đôi.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cú hích tạo đà cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sự “lên ngôi” của mua sắm online, từ đó tạo ra những thay đổi trong việc thay đổi phương thức kinh doanh của các kênh thương mại truyền thống sang ứng dụng online, mang tính tiện dụng cho người tiêu dùng, thúc đẩy thói quen kinh doanh và mua sắm văn minh, hiện đại.