Thương mại trực tuyến trước vấn nạn lừa đảo

(PLVN) - Hiện nay, thực trạng lừa đảo dựa vào thương mại trực tuyến đang gia tăng báo động, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thị trường kinh doanh trực tuyến của Việt Nam đang rất cần đến những biện pháp chấn chỉnh và bảo vệ kịp thời để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
Người tiêu dùng cần xây dựng các nguyên tắc tiêu dùng trực tuyến, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo. (Ảnh: Website Bộ Công Thương)

Vấn nạn lừa đảo khiến thương mại trực tuyến phát triển không bền vững

Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, mang lại cơ hội mua sắm thuận lợi và nhiều tiện ích khác. “Cơn bão” của thương mại trực tuyến đã khiến người người, nhà nhà khi kinh doanh phải nghĩ đến chuyện “lên mạng”, livestream, từ tiểu thương ở chợ cho đến người nông dân chân chất cũng không tránh khỏi xu thế này.

Năm 2023, thị trường thương mại nước ta đã chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực TMĐT, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Thống kê 3 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam, chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream, đã đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính đã có 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra.

Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,09% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029).

Tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, tiềm năng vô biên, thế nhưng, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một thị trường “không bền vững”. Có nhiều nguyên nhân cho sự đánh giá này, mà một trong số các lý do đó là sự thiếu an toàn của môi trường kinh doanh. Vấn nạn lừa đảo thương mại trực tuyến hiện nay đang “bùng nổ” với nhiều chiêu trò, thủ đoạn, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và thị trường nói chung.

Thời gian qua, hàng loạt người dùng tố cáo đến cơ quan chức năng sự việc xuất hiện nhiều sàn TMĐT giả mạo. Những sàn này dụ dỗ người tiêu dùng tham gia mua hàng hóa giá rẻ, khuyến khích kêu gọi càng nhiều người tham gia (theo hình thức đa cấp) thì càng được lợi, sau đó khi huy động số vốn lớn của khách hàng thì... biến mất. Một trường hợp khác là giả mạo những shop bán hàng trên các sàn TMĐT uy tín, tung các voucher quà tặng miễn phí, giảm giá..., dụ dỗ, lừa đảo người tiêu dùng số tiền lớn, có những trường hợp để nhận món quà, người tiêu dùng đã bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Một thủ đoạn lừa đảo khác khá phổ biến trên thị trường TMĐT, xuất hiện từ những ngày thị trường này mới ra đời, đó là lừa đảo chuyển khoản nhưng không gửi hàng, hoặc bán hàng lậu, hàng giả mạo, sai sự thật cho người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng đặt mua các sản phẩm trên mạng, được dụ dỗ chuyển khoản trả tiền trước hoặc chuyển tiền “đặt cọc” vì món hàng bán chạy, tuy nhiên sau khi chuyển khoản thì bị người bán chặn, không liên lạc được. Có trường hợp, người tiêu dùng nhận hàng, thanh toán tiền, nhưng mở gói hàng ra là... vải vụn, đồ cũ, gạch đá. Một số trường hợp lấy chiêu bài “giảm giá đặc biệt” cho các mặt hàng điện tử, gia dụng, người mua nhận hàng, thanh toán và đến khi sử dụng mới biết hàng nhái, hàng giả. Một số kẻ gian lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người tiêu dùng để tạo ra các trang web TMĐT giả mạo, có giao diện giống hệt các trang web uy tín. Khi người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trên các trang này họ không chỉ mất tiền mà còn có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.

Đáng nói là những thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động TMĐT để lừa đảo rất tinh vi, liên tục cập nhật nhiều chiêu trò, thủ đoạn mới, nhiều người dân đã có cảnh giác nhưng vẫn rơi vào “ma trận”, “sa bẫy”.

Những vụ lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho người tiêu dùng mà còn làm mất lòng tin vào các nền tảng TMĐT, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Ngoài ra, việc thông tin cá nhân bị lộ có thể dẫn đến những rủi ro lớn hơn như bị đánh cắp danh tính hoặc tấn công tài khoản ngân hàng.

Làm gì để bảo vệ thương mại trực tuyến?

Thị trường TMĐT phát triển mạnh nhưng thiếu an toàn vì các mối nguy lừa đảo. (Ảnh minh họa: KT)

Anh Trần Quang Lâm, chủ chuỗi cửa hàng trên các sàn TMĐT uy tín trong nước, một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT chia sẻ, ngoài những thủ đoạn lừa đảo đã được cơ quan chức năng cảnh báo mạnh mẽ thì trên thị trường TMĐT tồn tại đến hàng ngàn phương thức lừa đảo nhỏ lẻ, tinh vi, khiến khách hàng không thể lường hết được. Đơn cử, một số nhà bán trên sàn TMĐT “lách luật”, đề nghị khách hàng hủy đơn trên sàn để giao dịch riêng và được giảm giá. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã dính “bẫy” lừa khi giao dịch riêng vì mất tiền, không nhận được sản phẩm hoặc sản phẩm chất lượng kém nhưng lúc đó thì không biết “kêu cứu” ai vì đây là giao dịch ngoài sàn, không được sàn TMĐT bảo vệ. Nhiều kẻ lừa đảo đưa ra mức giá sản phẩm thấp so với thị trường, đồng thời huy động lực lượng tài khoản ảo vào để lại những đánh giá tốt cho sản phẩm, khiến người tiêu dùng có lòng tin, đặt mua thì đặt nhầm hàng gian hàng giả.

Chính vì vậy, anh Lâm đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng khi tham gia hoạt động thương mại trực tuyến cần có một số nguyên tắc nhất định như: Tránh chuyển tiền trước khi nhận được sản phẩm; Cần kiểm tra sản phẩm kĩ lưỡng trước khi trả tiền; Cảnh giác tối đa trước các voucher quà tặng, các sản phẩm giá quá thấp so với mặt bằng chung; Khi tham gia mua bán trên sàn TMĐT cần tuân thủ quy tắc giao dịch thông qua sàn để được các sàn bảo vệ khi có rủi ro...

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành truy quét, bắt giữ một số đối tượng lừa đảo dựa trên nền tảng thương mại trực tuyến. Tuy nhiên, thương mại trực tuyến đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, nhiều tổ chức lừa đảo đặt máy chủ ở nước ngoài, nên số bị phát hiện vẫn còn rất nhỏ so với thực tế.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để bảo vệ thị trường thương mại trực tuyến trước vấn nạn lừa đảo, không chỉ cần đến sự nâng cao cảnh giác, nỗ lực thay đổi tư duy từ phía người tiêu dùng, mà cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về phần cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về các chiêu trò lừa đảo. Các doanh nghiệp TMĐT cần đầu tư vào hệ thống bảo mật, xác thực thông tin khách hàng và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Chỉ khi có sự đồng lòng và phối hợp hiệu quả, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường thương mại trực tuyến an toàn, minh bạch, giúp phát huy tối đa lợi ích của công nghệ trong cuộc sống hiện đại.

Đọc thêm