Thị trường thương mại điện tử tiềm năng “cỡ” nào?

(PLVN) - Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019 sẽ diễn ra tại Hà Nội (ngày 26/3/2019) và TP Hồ Chí Minh (ngày 28/3/2019). Đây được kỳ vọng là một cú hích tạo đà cho kế hoạch đạt 13 tỷ USD giao dịch trên nền tảng TMĐT vào năm 2020.
TMĐT đang kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu 13 tỷ USD vào năm 2020
TMĐT đang kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu 13 tỷ USD vào năm 2020

Thống kê cho thấy TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ đô la trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua. Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của TMĐT do dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn. Tại Việt Nam, doanh thu từ TMĐT năm 2013 đạt chỉ đạt 2,2 tỷ USD, đến năm 2017 con số này đã tăng lên 6,2 tỷ USD. Số lượng người mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 30,3 triệu người (năm 2015) lên 33,6 triệu người (năm 2017).

Riêng năm 2018 được đánh giá là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến, đạt 7,8 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30% so với năm 2015. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm EcomViet, nếu tốc độ tăng trưởng của các năm 2019-2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này cao hơn mục tiêu (10 tỷ USD) nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, lợi thế để phát triển TMĐT ở Việt Nam đã rất rõ ràng nhưng muốn TMĐT phát triển vững chắc cần có môi trường và hệ sinh thái thuận lợi. Cụ thể, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiến tiến giúp đa số người dân tiếp cận dễ dàng với internet qua thiết bị di động và tin tưởng vào giao dịch trực tuyến. Cùng đó là dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng, hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến có cơ hội tiếp cận dễ dàng tới các dịch vụ công cũng như khả năng huy động vốn linh hoạt.

Khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng TMĐT khá cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực rất ngoạn mục, ví dụ, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Dù tốc độ tăng trưởng thanh toán trực tuyến tăng cao nhưng số lượng giao dịch vẫn còn khá thấp. Do đó, một trong những mục tiêu của Diễn đàn toàn cảnh TMĐT 2019 là đẩy mạnh xu hướng thanh toán trực tuyến. Theo ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng VECOM, tại Diễn đàn lần này, VECOM sẽ đề xuất nhấn mạnh đến dịch vụ thanh toán trực tuyến, bắt đầu từ khâu đào tạo người dùng.

Diễn đàn toàn cảnh TMĐT 2019 gồm bốn chủ đề lớn: “Bùng nổ mua sắm online”, thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử sẽ mở rộng mạnh mẽ; “Thời gian là vàng” bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ TMĐT trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến sau vài giờ; “Sự nổi lên của AI” trao đổi về tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tới mọi doanh nghiệp; “Vốn hay ý tưởng” giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng đâu là yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, chỉ số TMĐT Việt Nam 2019 cũng sẽ được công bố tại diễn đàn này. Dựa trên chỉ số này, VECOM đã đề xuất triển khai Chương trình phát triển TMĐT bền vững giai đoạn 2019-2025. Giai đoạn 1 của chương trình này được thực hiện trong 2 năm đầu, dự kiến sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ một số ngành hàng có tiềm lực ở các địa phương như sản phẩm dừa ở Bến Tre, sản phẩm tre ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Đọc thêm