Thương mại vùng biên: Kiến nghị tăng quyền cho Chủ tịch tỉnh

(PLO) - “Nếu giao trách nhiệm và quyền quyết định điểm thông quan xuất khẩu hàng hóa cho Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới thì sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng kiến nghị.
Xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam với Lào chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ USD
Xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam với Lào
chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ USD
 
Bảo vệ “phên dậu” quốc gia
Tại “Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo” diễn ra hôm qua (5/1), ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động thương mại biên giới là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên giới phát triển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Hoạt động này cũng giúp thu hút đầu tư vào các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. 
Ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cho biết, năm 2015 tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD (tăng 27% so với năm 2014); trong đó, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chiếm 85%, Việt Nam – Lào 4%, Việt Nam – Campuchia 11%. 
Cụ thể, năm 2015 xuất nhập khẩu biên giới Việt  - Trung đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.665,7 triệu USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 3.176,6 triệu USD, tăng 40%. Theo đánh giá, hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới này đa dạng nhất cả nước, bao gồm ba nhóm chính: nông, lâm, thủy sản; hàng công nghiệp chế biến; khoáng sản. Hàng hóa nhập khẩu gồm hai nhóm chính: Nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu qua biên giới với Lào khá khiêm tốn, chỉ đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 4% tổng thương mại biên giới cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 400 triệu USD, nhập khẩu đạt 700 triệu USD. Hàng hóa chủ yếu xuất - nhập ở khu vực này là thủy sản, da giày, may mặc, một số vật tư, sắt thép, than đá, xăng dầu… Còn với Campuchia, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 3 tỷ USD (xuất khoảng 1,84 tỷ; nhập khoảng 1,2 tỷ). 
Báo cáo của Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong hoạt động thương mại vùng biên. Cụ thể, ở khu vực giáp với Trung Quốc, một số hàng hóa hợp pháp xuất xứ ở Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ, nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang bên kia bằng xe biên mậu dịch theo hình thức chợ biên giới nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. 
Cách làm này gây chậm trễ, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đối với một số nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ, mua bán với Trung Quốc giống hình thức đi chợ, tức là không có hợp đồng mua bán từ trước với Trung Quốc. Khi những nông sản này vào mùa, xe ồ ạt chuyển lên biên giới, gây ách tắc, khó thông quan dẫn tới thực trạng doanh nghiệp nước bạn lợi dụng ép giá, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nên tăng quyền cho Chủ tịch tỉnh
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thiếu hệ thống đông lạnh. Nhiều chợ biên giới đã xuống cấp, chưa được cải tạo, xây mới. 
Ông này dự báo, hoạt động thương mại tại biên giới sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước và vùng kinh tế trên thế giới. Do vậy, cần phải phát triển kết cấu hạ tầng, bến bãi tại các khu vực cửa khẩu. 
“Hiện đang có tình trạng do thiếu hệ thống bãi đỗ, hàng hóa được tập kết ở ven đường, rất khó cho hải quan quản lý kiểm tra, đồng thời nguy hại kinh tế khi những hàng hóa này dễ hư hỏng do không được bảo quản tốt, làm giảm giá trị”, ông Kha cảnh báo.
Từ cơ sở, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh này có 21 xã biên giới; 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sắt, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ. Vì thế, trong năm 2015, hoạt động thương mại biên giới Lạng Sơn rất sôi động, cả đường bộ lẫn đường sắt.
Theo ông Trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua tỉnh này trong năm 2015 ước đạt 3,85 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở Lạng Sơn vẫn còn gặp một số khó khăn, phức tạp…Trong khi bên kia bên giới, Trung Quốc luôn linh hoạt điều tiết hàng xuất khẩu của nước ta qua các lối mở, điểm thông quan các mốc mới. Còn đối với Việt Nam, để cho phép xuất khẩu qua những điểm đó phải xin phép Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Vì thế, ông Trưởng đề xuất cho phép Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới được quyết định việc xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan, lối mở biên giới đủ điều kiện. Thực tế, hiện nay hoạt động tái xuất tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan gặp khó khăn do phía Trung Quốc thường xuyên linh hoạt thay đổi địa điểm nhập hàng. 
“Nếu giao trách nhiệm và quyền quyết định điểm thông quan xuất khẩu cho Chủ tịch các tỉnh biên giới sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên”, ông Trưởng nói.
85% kim ngạch mua bán qua tuyến biên giới Việt - Trung
Ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cho biết, năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD (tăng 27% so với năm 2014); trong đó, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chiếm 85%, Việt Nam – Lào 4%, Việt Nam – Campuchia 11%.

Đọc thêm