Sau một năm triển khai thực hiện, huyện Thường Tín đã xác lập được quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Trát Cầu” cho sản phẩm “Chăn ga gối đệm Trát Cầu” xã Tiền Phong, nhãn hiệu “Ba Lăng” cho sản phẩm dưa chuột của huyện Thường Tín, và xác lập được quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thường Tín” cho sản phẩm khoai tây.
UBND huyện đã hỗ trợ các chủ sở hữu xây dựng hệ thống văn bản phục vụ cho việc quản lý nhãn hiệu tập thể, Thiết kế mẫu nhãn hiệu (logo) đã được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ, Xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu tập thể, xây dựng hệ thống các phương tiện quảng bá và giới thiệu nhãn hiệu tập thể.
Đến nay huyện Thường Tín đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể gồm “Dưa chuột Ba Lăng”, “Khoai tây Thường Tín”, “Chăn gối, gối, đệm Trát Cầu”, “Sơn mài Hạ Thái”, “Thêu Thường Tín”.
Xác lập quyền quản lý và phát triển nhãn hiệu nhằm duy trì, ổn định chất lượng, giữ gìn, phát huy sản phẩm làng nghề truyền thống, gia tăng giá trị nông sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương. Tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh cấp liên quan đến việc xác lập chủ sở hữu sản phẩm hàng hóa, góp phần thúc đẩy vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Kiều Xuân Huy - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu không chỉ bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ mà còn giúp bảo vệ, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín nói riêng, Thành phố Hà Nội nói chung.
Việc xây dựng thương hiệu là nền tảng để tổ chức, quản lý sản xuất tập thể theo phương thức mới để tập hợp toàn bộ cộng đồng sản xuất thành một khối thống nhất, từ đó tận dụng và phát triển tối đa sức mạnh tập thể nhằm mục tiêu cuối cùng là xác lập, tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để việc sản xuất và kinh doanh cho sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm làng nghề trở thành một ngành kinh tế phát triển của địa phương.
Đây cũng là cơ hội tốt để huyện Thường Tín phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm đặc sắc của địa phương ra thị trường người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, các làng nghề truyền thống. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng yêu cầu người sản xuất cần nâng cao chất lượng, mẫu mà sản phẩm, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể đã được cấp, phấn đấu trở thành thương hiệu mạnh.