Thượng viện Brazil phế truất Tổng thống Dilma Rousseff

(PLO) -Với 14 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Brazil đã thông qua bản báo cáo dài hơn 440 trang đề nghị phế truất Tổng thống Dilma Rousseff, người đã bị đình chỉ chức vụ gần 3 tháng trước.
Tổng thống Dilma Rousseff
Tổng thống Dilma Rousseff

Trước đó, ngày 2/8, khi phát biểu tại Thượng viện, nghị sỹ Antonio Anastasia, người được chỉ định xem xét vụ xét xử đối với bà Dilma Rousseff đã yêu cầu bãi nhiệm nữ Tổng thống. Bởi theo ông Antonio Anastasia, cơ quan chức năng có đầy đủ bằng chứng cho thấy, bà Dilma Rousseff đã vi phạm Hiến pháp và hành động thiếu trách nhiệm. 

Mong manh

Báo cáo của nghị sỹ Antonio Anastasia sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện vào ngày 9/8. Nếu 41/81 nghị sỹ tại Thượng viện thông qua báo cáo này, việc xét xử bà Dilma Rousseff sẽ tiếp tục được tiến hành. Và Thượng viện Brazil sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan tới việc chính thức phế truất bà Dilma Rousseff và động thái này có thể diễn ra vào cuối tháng 8.

Chánh án Tòa án Tối cao Ricardo Lewandoski sẽ triệu tập phiên họp toàn thể tại Thượng viện để bỏ phiếu lần cuối cùng vào cuối tháng này. Và nếu 54 nghị sỹ, tương đương 2/3 số ghế, bỏ phiếu đồng ý, bà Dilma Rousseff sẽ chính thức bị phế truất. Trong trường hợp bà Dilma Rousseff chính thức bị bãi nhiệm, Tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ tiếp tục điều hành đất nước tới hết năm 2018.

Theo giới truyền thông, để có thông tin cho ban báo cáo kể trên, Ủy ban đặc biệt đã lấy lời khai của 39 nhân chứng của bên bị đơn và 4 nhân chứng của bên nguyên đơn. Điều đáng nói là trước đó, Thượng viện Brazil từng khẳng định, không có bằng chứng cho thấy bà Dilma Rousseff có liên quan tới cáo buộc vi phạm tài chính.

Bởi tuy là người đã ký một số sắc lệnh liên quan tới việc vay tiền của các ngân hàng nhà nước không được Quốc hội thông qua, nhưng bà Dilma Rousseff không liên quan tới việc chậm trễ thanh toán các khoản vay tín dụng như cáo buộc của phe đối lập.

Theo cáo buộc của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền của Tổng thống lâm thời Michel Temer, bà Dilma Rousseff thường xuyên chậm thanh toán các khoản vay của Ngân hàng Brazil, Kho bạc liên bang và Ngân hàng Phát triển kinh tế và Xã hội (BNDES) và đã dùng số tiền đó tài trợ cho các chương trình xã hội trong năm bầu cử 2014. 

Hai Tổng thống “bị nhắm bắn”

Nữ Tổng thống Dilma Rousseff đang bị đình chỉ của Brazil từng khẳng định, những bằng chứng được sử dụng để đưa bà ra xét xử tại phiên tòa chính trị ở quốc hội thời gian qua là vô căn cứ. Tuyên bố này được bà Dilma Rousseff đưa ra sau khi Thượng viện thông báo kết quả điều tra do các chuyên gia tiến hành.

Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros (người chịu trách nhiệm vụ xét xử bãi nhiệm bà Dilma Rousseff) tiếp tục khẳng định, cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện lần cuối để bãi nhiệm nữ Tổng thống sẽ diễn ra trong khoảng ngày 25 hoặc 27/8 (sau Thế vận hội Olympic 2016). 

Và việc bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ diễn ra cùng thời gian Thẩm phán Ricardo Augusto Soares Leite chủ trì phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Lula da Silva, người tiền nhiệm của bà Dilma Rousseff. Ông Lula da Silva phải hầu tòa với cáo buộc cản trở công lý trong cuộc điều tra vụ tham nhũng nghiêm trọng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Đây là lần đầu tiên cựu Tổng thống Lula da Silva chính thức bị truy tố, sau khi danh tính của ông nằm trong chiến dịch chống tham nhũng có tên Car Wash.

Theo tờ Wall Street Journal, đơn đề nghị truy tố ông Lula da Silva được Bộ trưởng Tư pháp Rodrigo Janot nộp lên Tòa án liên bang. Và Thẩm phán Ricardo Augusto Soares Leite coi cáo trạng do Bộ trưởng Rodrigo Janot nộp đã cung cấp đầy đủ chứng cứ để mở phiên tòa xét xử ông Lula da Silva.

Bộ trưởng Tư pháp Rodrigo Janot cáo buộc cựu Tổng thống Lula da Silva đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối tại Petrobras, gây tổn thất hơn 2 tỉ USD cho tập đoàn này. Với quyết định kể trên, một cuộc điều tra mới sẽ được tiến hành đối với cựu Tổng thống Lula da Silva cùng những thân cận của ông. Cựu Tổng thống Lula da Silva đã phủ nhận mọi cáo buộc đối với ông.

Đọc thêm