Thường vụ QH họp phiên bất thường, bàn phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi

(PLVN) - Sáng nay, 4/6/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp bất thường nhằm phục vụ cho nội dung Phiên họp ngày 6/6/2022 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Ba nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, do yêu cầu tính chất nội dung Phiên họp ngày 6/6/2022 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường với 3 nội dung.

Thứ nhất, cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ 2, xem xét phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Thứ 3, cho ý kiến về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ Nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03.

Bổ sung nguồn để thực hiện cải cách tiền lương

Tại phiên họp, sau khi cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 do Chính phủ trình đã đúng quy định pháp luật, tuy nhiên chậm so với yêu cầu, cần phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút kinh nghiệm.

Về phương án phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung Chính phủ trình trong tổng số tăng thu tiết kiệm chi sẽ bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; bổ sung nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; bổ sung nguồn lực tiền thuê nhà hỗ trợ người lao động; bổ sung cho Bộ Quốc phòng, số thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng đã nộp ngân sách, bổ sung cho Bộ Công an để thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất thẻ căn cước công dân; cho phép chuyển nguồn mua vaccine phòng chống dịch COVID-19…

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Nhấn mạnh về việc tăng lương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì cần điều chỉnh tiền lương vào khoảng 1/7 hàng năm. Trước đây, hàng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua thì chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn. “Năm sau cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Đối với số vốn chưa phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất phương án với Ủy ban Tài chính - Ngân sách theo hướng tăng cường cho chương trình phục hồi kinh tế, giảm áp lực bội chi ngân sách và nợ công; hoặc xem xét thưởng vượt thu cho một số địa phương; bố trí vốn cho một số dự án đầu tư công cấp bách có thể hoàn thành trong năm 2022.… Trường hợp Chính phủ không xây dựng được phương án sử dụng khoản này, đề nghị giảm bội chi để tăng chi trả nợ theo quyết định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các cơ quan và các Bộ, ngành của Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội trình ký ban hành.

Đọc thêm