Thủy điện Đa Nhim sẽ bị kiện nếu không bồi thường

 “Việc xả lũ này có thể đúng quy trình, nhưng thiệt hại của bà con vùng hạ du lại có thật… Đây là vấn đề bất hợp lý, mà đã bất hợp lý, thì phải điều chỉnh, phải hỗ trợ dân”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nói

 “Việc xả lũ này có thể đúng quy trình, nhưng thiệt hại của bà con vùng hạ du lại có thật… Đây là vấn đề bất hợp lý, mà đã bất hợp lý, thì phải điều chỉnh, phải hỗ trợ dân”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nói về vụ Thủy điện Đa Nhim xả lũ khiến người nông dân bị thiệt hại.

Thiệt hại 22 - 23 tỷ đồng


Những ngày đầu tháng 11/2010, mưa lũ ở khu vực Nam Trung bộ diễn ra dồn dập, khiến hồ thủy điện Đa Nhim (địa phận tỉnh Lâm Đồng) phải xả lũ với lưu lượng 500m3/s, góp phần gây ngập lụt hàng trăm ha cây cối, rau màu… của nông dân một số huyện thuộc tỉnh này.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho hay: Theo báo cáo sơ bộ của 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, đợt xả lũ vừa qua đã gây ngập, làm hư hại khoảng 200 ha lúa, cà phê, hoa, rau màu… thiệt hại khoảng 22 - 23 tỷ đồng.

Xót của, người dân liều lĩnh tận thu rau khi lũ đang dâng.

“Giả thiết việc xã lũ có thể đúng quy trình. Nhưng thiệt hại của bà con vùng hạ du là có thật. Tại đây, mùa lũ, thì bà con bị ngập lụt; mùa khô nông dân lại thiếu nước sản xuất do thủy điện tích nước. Đây là vấn đề bất hợp lý, mà đã bất hợp lý thì phải điều chỉnh, phải xem xét hỗ trợ dân chứ không thể thờ ơ”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Duy Lượng,  Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân VN:

Hội sẽ theo dân đến cùng.

Trong quá trình xây dựng thủy điện Đa Nhim, có thể chưa lường hết các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nông dân,  nên mới gây ra tình trạng bức xúc như vậy.

Khi xây dựng nhà máy, người dân đã sẵn sàng di dời nhà cửa, ruộng vườn để ủng hộ dự án. Họ mong muốn khi có thủy điện, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên; nhưng sau này khi vận hành, thủy điện Đa Nhim đã phát sinh nhiều yếu tố bất lợi cho người dân, cụ thể như các báo đã phản ánh.

Công ty thì nặng về phần kinh doanh không nhìn thấy thiệt hại cho nông dân để hỗ trợ. Không ít hộ đã phải vây vốn ngân hàng để đầu tư, nhưng khi vụ mùa mất sạch như thế các khoản nợ họ vay ai cho khoanh nợ, ai xóa nợ cho nông dân?

Chúng tôi ủng hộ cách làm của Tỉnh hội Lâm Đồng là đề nghị bồi thường nếu không sẽ phát đơn kiện; đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến những phản ánh của dân để sớm tổ chức các cuộc họp với Công ty Thủy điện Đa Nhim nhằm giải quyết những tồn tại bức xúc bấy lâu. Có thể, TƯ Hội sẽ cử Trung tâm Trợ giúp pháp lý của mình vào kết hợp với Tỉnh hội Lâm Đồng, giải quyết vụ việc này.

Cũng theo ông Việt, để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, cuối tuần qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp với  một số cơ quan liên quan. “Sau đó, Tỉnh hội đã gửi văn bản cho Công ty Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, kiến nghị doanh nghiệp hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Trường hợp, Công ty này không giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ theo đến cùng”, ông Việt khẳng định.

Có căn cứ để khởi kiện?

Xung quanh vấn đề nói trên, trả lời báo chí, Luật sư Phan Trung Hoài khẳng định, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề yêu cầu đòi bồi thường là có căn cứ.

Theo Luật sư Hoài, căn cứ Điểm e, Điều 23 Luật Tài nguyên nước, quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 04 ngày 15/1/2010 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão quy định  phạt 20 - 40 triệu đồng, đối với hành vi vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trái quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức buộc khôi phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra.

Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, ông Trần Đình Kháng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Việc này kiện khó thắng. “Sau khi nắm được thông tin, Hội Luật gia đã tư vấn cho Hội Nông dân Lâm Đồng rằng, việc xả lũ của Công ty thủy điện Đa Nhim là đúng quy trình, có báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PT NT; họ mới chỉ xả 500m3/s - trong giới hạn cho phép”- ông Kháng thông tin. 

Cũng theo ông Kháng, việc thiệt hại của nông dân Lâm Đồng trong thời gian qua một phần do xả lũ hồ thủy điện, một phần do mưa lâu ngày, ngập nặng trên diện rộng.

“Vì vậy, Hội Luật gia Lâm Đồng hoàn toàn đồng ý với phương án Hội Nông dân đề nghị hỗ trợ nông dân bị thiệt hại. Theo đó, Cty Thủy điện Đa Nhim hỗ trợ chính, UBND tỉnh trích kinh phí phòng, chống bão lụt; các tổ chức từ thiện, tổ chức kinh tế, xã hội quyên góp thêm”, ông Kháng nói.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim là công trình thủy điện được xây dựng trên sông Đa Nhim, nằm giáp ranh tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; được khởi công xây dựng vào tháng 1/1962 đến tháng 12/ 1964, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Nhà máy có tổng công suất thiết kế lắp đặt là 160 MW gồm 4 tổ máy; cung cấp điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa…

Tuấn Anh - Thanh Quý - Phi Hùng

Đọc thêm