Thủy điện Hòa Bình 'hy sinh sản lượng' để đảm bảo hệ thống điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủy điện Hòa Bình phải dự trữ rất rộng để đảm bảo cho hệ thống điện. Nhà máy luôn trong tư thế ở đâu đó mất điện thì tổ máy thủy điện Hòa Bình phải ngay lập tức vào để thay thế. Việc đảm bảo công suất và sự an toàn của hệ thống trông chờ rất nhiều vào Thủy điện Hòa Bình
Mực nước ở hồ thủy điện Hòa Bình đang trên mực nước chết 22m
Mực nước ở hồ thủy điện Hòa Bình đang trên mực nước chết 22m

Như báo PLVN đã thông tin, tại cuộc trao đổi với báo chí về cung ứng điện vào tuần trước, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 13/6/2023 nhiều khả năng thủy điện Hòa Bình sẽ về mực nước chết.

Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, đến trưa ngày 13/6/2023 mực nước của hồ thủy điện Hòa Bình trên 102m (trên mực nước chết khoảng 22m).

“Lưu lượng nước có vẻ nhiều nhưng rất nhanh hết nếu khai thác tối đa” - ông Vương khẳng định. Với mức nước hiện nay, nếu khai thác tối đa thì trong 2-3 ngày cột nước Thủy điện Hòa Bình sẽ không đảm bảo, gây khó khăn cho điều hành hệ thống; và nếu khai thác tối đa thì 12-13 ngày nữa Thủy điện Hòa Bình sẽ về mực nước chết.

Nhưng từ giữa tháng 5, thủy điện Hòa Bình đã khai thác cầm chừng, từ đầu tháng 6 thì khai thác theo nhiệm vụ điều tần hệ thống. Ông Vương lý giải, sở dĩ mực nước hồ thủy điện Hòa Bình giữ được ổn định vì thủy điện Hòa Bình hiện đang thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng - điều tần hệ thống.

Với nhiệm vụ này, các tổ máy của thủy điện Hòa Bình thường xuyên phải khởi động rồi dừng, lại tái khởi động, công suất khai thác thay đổi liên tục trong ngày theo lệnh điều độ từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Hiện các hồ thủy điện ở khu vực phía bắc đều xấp xỉ mực nước chết, không còn khả năng khai thác, “trong trường hợp bất khả kháng mới phải chạy” - lời ông Vương. Riêng hồ Hòa Bình còn "tương đối" nên phải đảm bảo 2 nhiệm vụ gồm đảm bảo công suất phát để đáp ứng nhu cầu khi hệ thống cần và dự trữ sản lượng để đảm bảo phát điện các ngày sau; Bởi lượng nước về hồ hàng ngày chỉ 40m3/s, nếu trời mưa cũng chỉ 200 m3/s. Trong khi dự báo, thời gian tới tiếp tục khô hạn, không có nước về nên không thể trông chờ lượng nước được bổ sung ít nhất cho đến hết tháng 6.

Thủy điện Hòa Bình là nhà máy bậc thang cuối cùng trên sông Đà với công suất 1.920 MW. Theo ông Vương, năm 2023 có thể nói là năm mà tình hình thủy văn rất bất lợi cho công tác phát điện. Tính đến ngày 13/6/2023, Công ty mới phát được 3,5 tỷ kWh, tương đương 37% kế hoạch năm. Việc đảm bảo kế hoạch sản lượng điện được dự báo rất khó khăn do giai đoạn này Thủy điện Hòa Bình phải hy sinh sản lượng để đảm bảo nhiệm vụ trong hệ thống điện.

“Thủy điện Hòa Bình phải dự trữ rất rộng để đảm bảo cho hệ thống điện. Chúng tôi luôn phải ở tư thế ở đâu đó mất điện thì tổ máy thủy điện Hòa Bình phải ngay lập tức vào để thay thế. Việc đảm bảo công suất và sự an toàn của hệ thống trông chờ rất nhiều vào Thủy điện Hòa Bình” - ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình khẳng định. Do đó, các tổ máy của nhà máy này phải vận hành linh hoạt biến đổi từng giờ. “Điều này sẽ không tốt cho tổ máy khi thường xuyên phải chạy chế độ từ khởi động - dừng - khởi động - dừng… nhưng trong tình hình khó khăn này vẫn phải làm” - ông Hòa chia sẻ.

Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình, trong giai đoạn cuối tháng 5, nhà máy phải sửa chữa một tổ máy, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/5. Tuy nhiên, trong tình hình cung ứng điện rất căng thẳng, nhà máy đã phải làm việc 24/24 để đưa tổ máy vào hoạt động trở lại và ngày 22/5, tổ máy này đã hoàn thành bảo dưỡng, sửa chữa.

Đọc thêm