Thụy Điển: Trọng cung phớt lờ lý

Thuỵ Điển đang chứng kiến vụ bê bối tư pháp có thể được coi là tai tiếng nhất trong lịch sử cận đại đất nước này. Bê bối không chỉ vì toà xử nhầm đối tượng và phán quyết sai lầm mà tất cả những cơ quan công quyền và tư pháp có liên quan đến vụ án đều mắc phải những sai lầm tưởng như không thể sơ đẳng hơn...

Thuỵ Điển đang chứng kiến vụ bê bối tư pháp có thể được coi là tai tiếng nhất trong lịch sử cận đại đất nước này. Bê bối không chỉ vì toà xử nhầm đối tượng và phán quyết sai lầm mà tất cả những cơ quan công quyền và tư pháp có liên quan đến vụ án đều mắc phải những sai lầm tưởng như không thể sơ đẳng hơn được trong toàn bộ quá trình điều tra, khởi tố và tố tụng hình sự.

Chuyện như thế này: Năm 1994 và 2001, toà án ở Thụy Điển đã kết tội anh chàng Thomas Quick phạm tội trong 8 vụ giết người và phạt anh ta bị quản giáo suốt đời trong một bệnh viện tâm thần. Mới đây, toà lại phán rằng anh ta hoàn toàn vô tội. Điều lạ lùng nữa ở vụ xét xử này là không ít thân nhân gia đình của nạn nhân lại cho rằng Thomas Quick không phải là thủ phạm và cùng nhau kiến nghị phản đối phán xử của toà.

Nguyên do chính là toà án đã xét xử và phán xử kết tội Thomas Quick trong khi không tìm thấy vũ khí gây án, không có bằng chứng từ xét nghiệm ADN và không có nhân chứng mà chỉ lời thú tội của Thomas Quick, báo cáo tường trình của cảnh sát và giám định y khoa của các thầy thuốc về thực trạng sức khoẻ của bị cáo. Toà án đã bỏ qua hoàn toàn những tình tiết đầy mâu thuẫn trong lời khai của Thomas Quick, phớt lờ yêu cầu tối thiểu của pháp luật khi xét xử là phải có chứng cớ xác thực khi coi sự thú tội của bị cáo là chứng cứ đủ để luận tội và buộc tội. Các bác sỹ đã bỏ qua việc bị cáo bị ép sử dụng biệt dược trong hỏi cung và cảnh sát đã ép cung để chứng tỏ án đã được phá và thủ phạm đã bị bắt.

Những vụ giết người vô cùng dã man ấy đã làm sôi sục dư luận xã hội Thuỵ Điển. Trọng cung chứ không trọng lý, cần thành tích chứ không truy tìm tội phạm thực sự như thế nên các bên liên quan mới cùng nhau thao túng vụ án. Trong thế giới tư pháp, vô tình sai lầm đã rất nguy hại, chủ ý làm sai và lại còn kéo bè kéo cánh cùng nhau chủ ý làm sai thì lại càng tai hại vô cùng.

Hạ Nham

Đọc thêm