Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Nhóm chuyên gia nhấn mạnh tới quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam – Liên bang Nga. Chính thức trở thành Đối tác chiến lược của nhau năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển của mỗi nước.
Là một trong những hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác về cả chiều sâu và bề rộng, Thứ trưởng nêu rõ Nhóm chuyên gia Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với Nhóm chuyên gia của Liên bang Nga trong Tổ công tác hỗn hợp để nghiên cứu, tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và tổ chực thực hiện việc hoàn thiện pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật về Hiến pháp, dân sự, hình sự, quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.
Theo Quy chế hoạt động, Nhóm chuyên gia họp toàn thể định kỳ 6 tháng/lần, tùy theo yêu cầu công tác có thể họp bất thường hoặc họp nhóm một số thành viên có liên quan khi cần thiết theo quy định của Trưởng nhóm để thảo luận và thống nhất những chủ trương, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên của Nhóm làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể để đưa ra quyết định theo đa số.
Nhóm chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng thời có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng về kết quả hoạt động để Bộ trưởng xem xét, quyết định Quy chế, định hướng, kế hoạch hoạt động dài hạn và hàng năm cũng như trao đổi với các cơ quan, tổ chức ngoài Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến hoạt động của nhóm. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho Nhóm trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, thành viên Nhóm chuyên gia, cần tạo điều kiện cho các thành viên của Nhóm có cơ hội tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực được giao, song tham gia dưới hình thức nào, mức độ đến đâu để có thể thu được lượng thông tin cần thiết thì cần quy định rõ.
Về kế hoạch hoạt động, Nhóm sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn, trao đổi thông tin chuyên môn liên quan đến các nội dung trong lĩnh vực pháp luật dân sự (khía cạnh pháp lý của tích tụ ruộng đất, đăng ký tài sản), lĩnh vực pháp luật hình sự (hệ thống xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, vấn đề xử lý tội phạm công nghệ cao) và trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Ngoài ra, còn tổ chức Đoàn đi Liên bang Nga họp Tổ công tác Việt – Nga, kết hợp nghiên cứu, khảo sát về công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và ký kết Chương trình hợp tác năm 2018 - 2019 giữa hai Bộ Tư pháp và tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của Liên bang Nga về một trong những nội dung ưu tiên nghiên cứu năm 2017. Ông Hoa Hữu Long, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho rằng kế hoạch hoạt động cần cân nhắc ưu tiên mảng nào để tập trung triển khai chứ không nên quá tham vọng. Đặc biệt, các hoạt động cần bám sát các chủ trương hợp tác cụ thể giữa hai nước để có thể phân tích, lựa chọn các lĩnh vực mà nước bạn có ưu thế, giàu kinh nghiệm để học hỏi.
Sau khi lắng nghe góp ý của các thành viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó trưởng Nhóm chuyên gia nhấn mạnh tới cơ chế mở nên ngoài 27 thành viên là thành phần cứng, khi cần thiết có thể bổ sung thêm một số chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong những lĩnh vực cụ thể. Để có thể triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động đã đề ra, cần lựa chọn các lĩnh vực phù hợp, vừa sức, đồng thời mỗi thành viên cần phát huy tối đa năng lực, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các công việc được giao.