Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp vượt khó khăn do COVID-19

(PLVN) -Thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.
Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp vượt khó khăn do COVID-19

Điểm nổi bật tạo nên hiệu quả trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua là việc phổ biến kịp thời các nội dung chính sách, quy định mới tới người dân và doanh nghiệp; triển khai tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất…

Là địa phương có lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Tổ tư vấn thực hiện tư vấn với nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại và qua thư điện tử trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, tài nguyên, môi trường... Sau gần 6 năm chính thức đi vào hoạt động, tổng số vụ việc tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua Tổ tư vấn là 1.557 trường hợp.

Cùng với đó, tỉnh còn xây dựng Chuyên mục "Hỗ trợ doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để thực hiện đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính, các văn bản chỉ đạo, điều hành, dự án, quy hoạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được hỗ trợ về pháp lý, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp.

Ngoài ra, từ năm 2019, Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương cũng đã chính thức đi vào hoạt động nhằm tiếp nhận các vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp để cơ quan Nhà nước biết được tình trạng xử lý hồ sơ, trên cơ sở đó sẽ có chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc.

Còn tại Thái Nguyên, hàng năm, trên cơ sở kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các đơn vị đã phối hợp với Sở Tư pháp để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý thuộc trách nhiệm của ngành như: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn, hướng dẫn của bộ phận trực tiếp giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp; xây dựng các chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên Trang thông tin của các sở, ngành; cập nhật, công bố kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật… Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự tham gia và chất lượng tham mưu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, một phần do công chức pháp chế phần lớn không có chuyên ngành luật, một phần do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trước những khó khăn chung do tác động của dịch bệnh, tỉnh Hưng Yên đã tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào việc giúp người lao động sớm tiếp cận các chế độ, chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài, thực hiện kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số hoạt động đã được xác định tại Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2021 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tư pháp ban hành tháng 7 vừa qua. Cụ thể bao gồm: Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; Xây dựng các chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp; Xây dựng bản tin, tài liệu điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại; tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và các hình thức trực tuyến khác; tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

Đồng thời, Chương trình sẽ tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan; Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp, gián tiếp qua các diễn đàn nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm