Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thường xuyên trao đổi với WHO về vấn đề khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa bảo vệ cho trẻ và quan trọng nhất là đảm bảo tính an toàn, khả năng chấp nhận của cộng đồng.
Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân khi tiêm vaccine cho trẻ em.
Về đảm bảo nguồn vaccine tiêm cho trẻ em, Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến việc sử dụng vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em. Việc tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ chờ phê duyệt.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu hai Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đến nay, khoảng trên 20 nước tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, trong đó có Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Cuba, Chile, Israel, Oman, Saudi Arabia, Bahrain, UAE... Singapore đã bắt đầu triển khai tiêm từ cuối tháng 12/2021 đối với các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
Việt Nam đã triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi từ tháng 11/2021. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.131.455 liều, trong đó có 8.021.461 mũi 1 và 6.109.994 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 89,9% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5% dân số 12-17 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Đối với vấn đề này, mới đây Hải Phòng đã tiến hành rà soát trẻ từ 5 - 11 tuổi để xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine trong thời gian tới.
Còn tại Hà Nội trong những ngày qua, nhiều trường học đã triển khai cho phụ huynh đăng ký tiêm vaccine cho con. Nhiều trường có tỷ lệ phụ huynh đăng ký rất cao. Cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) cho biết, có trên 88% phụ huynh của trường đã đăng ký tiêm vaccine đợt 1. Tại Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai,) theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý Hường, số phụ huynh nhất trí tiêm vaccine là hơn 90%. “Sớm trở lại trường là động lực cho phụ huynh và học sinh khi đăng ký tiêm vaccine”, cô Lưu Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Tiêm vaccine để phòng dịch và con được đến trường là mong mỏi chung của phần lớn phụ huynh. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho thấy có gần 14.000 phụ huynh đăng ký tiêm vaccine cho con trên tổng số hơn 19.500 học sinh ở bậc tiểu học, đạt tỷ lệ trên 70%. Tỷ lệ này ở khối trẻ mầm non 5 tuổi còn cao hơn, lên đến trên 87%.
Là hiệu trưởng một trong những trường tiểu học có sỹ số cao nhất của quận Ba Đình, cô Lưu Thị Hồng Hạnh cho rằng, mặc dù tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con tiêm rất cao, song những lo lắng của phụ huynh là dễ hiểu và nhà trường cũng đã giao nhiệm vụ cho các giáo viên trao đổi, động viên.
“Chúng tôi ở lĩnh vực giáo dục và đa số phụ huynh cũng không phải làm việc ở ngành Y. Vì thế, rất mong cơ quan chức năng chuyên môn đưa ra các biện pháp, yêu cầu cụ thể để nhà trường thông báo và phối hợp với cha mẹ học sinh thực hiện nhằm đảm bảo an toàn nhất cho các con”, cô Hạnh nói. Cũng theo cô Hạnh, với cơ sở vật chất hiện nay, nhà trường có thể đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng làm địa điểm tiêm chủng cho học sinh.
Còn tại TP HCM, mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư kiến nghị sớm tiêm vaccine để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường.
Theo bà Lê Thị Anh Thư, tỉ lệ phụ huynh muốn con đi học trực tiếp rất cao, chỉ có khối 6 là 55%, còn những khối còn lại từ mầm non đến tiểu học đều ở mức cao, nhất là bậc tiểu học. “Phụ huynh có mong muốn để con đi học trực tiếp trở lại. Mong TP sớm có triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5 - 11 tuổi để trẻ sớm đi học trở lại. Vì học trực tiếp thì sự tiếp thu vẫn nhanh hơn học trực tuyến”, bà Thư nêu rõ.