Riêng Bộ Công Thương đã cử hơn 7.500 đoàn với khoảng 24.800 lượt cán bộ xuất ngoại. Liệu các chuyến đi ấy có thật sự làm việc dân, việc nước hay chỉ là du hí?
Nghi vấn của dư luận không phải là không có cơ sở vì không chờ tới bây giờ mà ngay trong thời bao cấp kỷ luật hành chính còn chặt chẽ, quan hệ đối ngoại chưa mở rộng thì qua phong trào “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra hiện tượng cán bộ cấp cao sử dụng hộ chiếu đỏ dành cho cán bộ được hưởng quy chế ngoại giao để đi buôn lậu. Sự việc ồn ào một lúc thì người cán bộ buôn lậu này vẫn được thăng tiến lên làm Bộ trưởng và yên vị huy hoàng cho đến ngày hạ cánh an toàn.
Chuyện cán bộ mê xuất ngoại trong quá khứ
Trước đó, các du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Nga và Liên Xô, Đông Âu nói chung thường rỉ tai nhau về thông tin đối ngoại của một cán bộ lãnh đạo với tin tức thật sát sao, để kịp thời tung hết hàng đồng hồ đeo tay và quần bò ra thị trường trước khi vị này sang, vì đoàn tùy tùng quá đông và lượng hàng kèm theo đoàn quá nhiều, chắc chắn hàng sẽ bị hạ giá. Ngay với giới du học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh lao động hợp tác với nước ngoài đều thuộc lòng câu châm ngôn về mục tiêu xuất ngoại là “tiểu tu kiến thức, trung tu kinh nghiệm, đại tu tài sản”. Nhiều gia đình phải chạy vạy, góp nhóp lấy một “vé” cho con cháu đi xuất ngoại hy vọng làm cuộc đổi đời cho gia tộc.
Cho tới ngày nay, khuynh hướng quan điểm mê xuất ngoại vẫn còn tồn tại theo hai hướng: Xuất khẩu lao động ở các tỉnh phía Bắc, và “chảy máu cô dâu ngoại” ở các tỉnh phía Nam.
Từ khi hội nhập kinh tế thế giới, thị trường đã thông thương, hàng ngoại trong nước không thiếu thứ gì, được nhập chính ngạch hoặc hàng do Việt kiều và người thân xách tay về, việc cán bộ lợi dụng đi nước ngoài để đi buôn có thể vẫn còn nhưng ít đi nhiều. Tuy nhiên lại phát sinh những hệ lụy cán bộ xài tiền ngân sách du hí ăn chơi, mua sắm xa xỉ, lại quả cho nhau...
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ thì về lý thuyết, việc cử đoàn cán bộ ra nước ngoài hàng năm của các bộ ngành, địa phương là một trong những hoạt động đối ngoại để thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, song phương, đa phương trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội…
Giai đoạn 2012 - 2016, việc cử các đoàn công tác ra nước ngoài đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, học tập kinh nghiệm và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức… đã góp phần thành công trong việc đàm phán các hiệp định thương mại như TPP, CTTPP, ASEAN – Nhật Bản, RCEP, FTA…
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chuyến đi được cho là vẫn còn những tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc quản lý các đoàn công tác ra nước ngoài vẫn còn có sự chồng chéo giữa các bộ ngành. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao đảm nhận công tác quản lý cấp nhà nước về các hoạt động ngoại giao; Bộ Công an quản lý hoạt động xuất cảnh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư; Bộ Công Thương quản lý các hoạt động xúc tiến thương mại; Bộ Nội vụ quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức… Còn các địa phương được giao quản lý theo phạm vi địa bàn hành chính.
Bên cạnh đó, năm 2016, Thủ tướng đã bãi bỏ Quyết định số 67 về Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của UBND các tỉnh, thành nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế. Nhiều bộ, ngành vẫn chưa ban hành quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại theo hướng dẫn của Bộ Chính trị và Ban Đối ngoại Trung ương.
Như vậy là chỉ mới có văn bản của Đảng, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, từ bộ, ngành đến UBND tỉnh đều chưa có văn bản, kế hoạch nhưng vẫn cho đi xả láng và không ai quản lý.
Chỉ mới thanh tra 4 bộ và sáu tỉnh giai đoạn 2012-2016, đã chi đến trên 1.000 tỉ đồng. Riêng Bộ Công Thương đã cử hơn 7.500 đoàn với khoảng 24.800 lượt cán bộ xuất ngoại.
Cũng theo kết quả kiểm tra, giai đoạn 2012-2014, Bộ Tài chính cử hơn 5.000 đoàn công tác, với khoảng 11.800 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng chi phí cho các chuyến xuất ngoại này vào khoảng gần 250 tỷ đồng. Cơ bản các đoàn đi của Bộ Tài chính đều nằm trong kế hoạch và thực hiện đúng quy định. Tuy vậy, vẫn có trường hợp số lần xuất ngoại trong năm nhiều hơn hai lần. Việc quản lý theo dõi nhận hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã cơ bản được thực hiện nhưng chưa đúng mẫu quy định.
Tình trạng này được diễn ra phổ biến ở cả 6 tỉnh, thành nằm trong diện kiểm tra, giai đoạn 2012 - 2016, gồm Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang.
Lỏng lẻo, vô trách nhiệm dẫn tới lạm quyền lãng phí
Theo kết quả kiểm tra, trong số các đoàn công tác tỉnh xuất ngoại theo diện học tập, đào tạo, xúc tiến đầu tư… đa số được xác định là du lịch, thăm người thân, hoặc nghỉ không lương. Cá biệt có tỉnh Đồng Nai, đa số các đoàn đi không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại theo hàng năm của tỉnh.
Đáng chú ý hồi tháng 1/2016, khi ông Vũ Huy Hoàng còn là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định cử đoàn cán bộ đi nước ngoài để tìm hiểu thị trường và hội chợ tại Agentina, Cuba và Panama trong thời gian 12 ngày. Tổng chi phí cho 5 cán bộ là gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hơn 320 triệu đồng. Số còn lại của 4 cán bộ khác, trong đó có hai thành viên của Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương và một cán bộ Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo Thanh tra chính phủ còn cho thấy việc quản lý cán bộ trước và sau khi đi còn quá lỏng lẻo. Nhiều hồ sơ xuất ngoại không có bản chính của thư mời, không có văn bản chấp nhận của cơ quan chủ quản, gồm cả cán bộ trực thuộc ngành dọc như Công an, Quân đội, Hải quan, Thuế… Chưa kể, nhiều đoàn sau khi kết thúc, trưởng đoàn đã không báo cáo lại kết quả chuyến đi. Chính do sự lỏng lẻo, vô trách nhiệm đã dẫn tới sự lạm quyền của cán bộ và sự lãng phí của ngân sách trong hoạt động này.
Điển hình cho những tiêu cực loại hình này là Bộ Công Thương. Năm 2014, ông Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, ông Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, nếu tính trừ ngày nghỉ và ngày Chủ nhật thì số ngày ở nước ngoài của ông chiếm hơn phân nửa thời gian làm việc trong năm.
Chưa hết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng còn ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.
Việc ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài công tác nhiều hơn một số bộ trưởng khác cũng có lý do khách quan là ngành Công Thương thời gian đó đàm phán, ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do nên ông cũng phải đi để dẫn đầu đoàn. Tuy nhiên, cũng không phải không có chuyến đi ông cũng tranh thủ việc riêng, như ra sân chơi golf mà đoàn thanh tra ghi nhận hẳn hình ảnh hoạt động này.
Dù quy chế xác định là cán bộ của tỉnh mỗi năm đi nước ngoài không quá hai lần nhưng một số lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đi nước ngoài quá 2 lần. Cá biệt trường hợp Phó Bí thư tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh có năm đã đi tới 10 lần, gồm cả việc công, việc riêng, cả đối tác mời. Còn năm 2012, bà Thanh làm trưởng 8 đoàn đi công tác nước ngoài.
Tiền thuế của dân không phải là vỏ hến, các cán bộ cấp cao đã có lương cao bổng hậu, tất cả đều từ tiền thuế của dân. Riêng việc Thứ trưởng hay Bộ trưởng trốn việc đi chơi đã là vi phạm. Trốn việc đi chơi bằng tiền ngân sách thì vi phạm càng nặng nề hơn, cần thiết phải thu hồi và trả lại cho dân.
Ông Huy Hoàng, bà Kim Thoa, Mỹ Thanh… vốn là người giàu có tiếng tăm. Việc nay họ phải móc tiền túi hoàn trả những món tiền mà họ đã xài từ ngân sách không ảnh hưởng tới sự giàu có của họ, mà phần nào đó thiết lập sự công bằng. Cách “tự xử” như vậy có thể ít nhiều sẽ được nhân dân niệm tình tha thứ.