Tiến độ 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kế hoạch hoàn thành 3 cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) không còn lâu. Đây là thời điểm cần nhà đầu tư, nhà thầu tăng tốc để đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh VOV
Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh VOV

Ba dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Trong đó, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, mức đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, dự án này đã chậm được triển khai do vướng mắc về vốn.

Theo đó, nhà đầu tư dự án này phải huy động số vốn khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện khoảng hơn 6.067 tỷ đồng. Do khó khăn vốn vay thương mại, dù được khởi công vào tháng 5/2021 nhưng mãi đến giữa tháng 2/2022 nhà đầu tư dự án Diễn Châu - Bãi Vọt mới ký kết được với ngân hàng vay thương mại thực hiện dự án (số vốn vay khoảng 3.600 tỷ đồng).

Ngoài ra, dự án cần hơn 5.000 tỷ đồng vốn góp của các nhà đầu tư, gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tập đoàn CIENCO 4, Công ty TNHH Núi Hồng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA 2.

Được biết, trong số các nhà đầu tư trên, việc góp vốn thực hiện dự án đều suôn sẻ, chỉ riêng Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA 2 khó khăn trong việc góp vốn thực hiện dự án. Mãi đến 15/3 vừa qua, đơn vị này mới nộp đủ vốn chủ sở hữu. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn vốn và công tác thanh toán cho các nhà thầu.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, một thành viên trong liên danh nhà đầu tư không góp đủ vốn thì các thành viên khác của liên danh phải bỏ thêm vốn để đóng vào. Đến thời điểm này liên danh nhà đầu tư đã đóng đủ vốn chủ sở hữu theo quy định. Hiện nay, nhà đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu tăng cường thêm máy móc, thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đến nay, tổng sản lượng của dự án đạt khoảng hơn 32% theo hợp đồng. Như vậy, mốc thời gian hoàn thành của dự án theo kế hoạch vào tháng 5/2024 là khó khả thi khi khối lượng của dự án còn rất lớn.

Đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 78,5km, vốn đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024 cũng đang chậm tiến độ, mà nguyên nhân do năng lực nhà đầu tư. Cụ thể, dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước khoảng 4.199 tỷ đồng, còn lại vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng). Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Tổng Công ty Xây dựng 194 - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả làm nhà đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thi công đạt sản lượng 45,86%, chậm khoảng 0,74% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án bị chậm là do Tổng Công ty Xây dựng 194 đang thi công chậm khoảng 4,2%.

Lý giải nguyên nhân chậm, ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty 194 cho biết, dịch bệnh trước đây khiến đơn vị gặp khó khăn trong huy động máy móc, thiết bị và nhân sự. Ngoài ra, một số đoạn có địa chất khó khăn, không đúng so với thiết kế kỹ thuật, phải thay đổi phương án thi công mất nhiều thời gian.

Trong số 3 dự án thì dự án Nha Trang - Cam Lâm (dài 49km, thuộc tỉnh Khánh Hòa) vốn đầu tư hơn 5.524 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023 là dự án có tiến độ khả thi hơn cả. Theo nhà đầu tư dự án này, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành; giá trị sản lượng thực hiện toàn tuyến đến nay đạt hơn 70%. Dự kiến tháng 6/2023 sẽ thông xe kỹ thuật, tháng 9/2023 sẽ đưa vào vận hành khai thác theo đúng kế hoạch.

Đáng chú ý, dự án này có điểm đầu thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), điểm cuối thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh). Do tuyến đường đi qua khu vực kinh tế năng động nên lưu lượng xe của dự án được dự báo rất khả thi. Vốn thực hiện dự án chỉ hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước đã chiếm quá 50% nên việc thu hồi vốn được đánh giá sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đọc thêm