Tiếp Đoàn, về phía tỉnh Tiền Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đang, các Phó Giám đốc và lãnh đạo các phòng, ban.
Nhiều điểm sáng trong công tác Tư pháp Tiền Giang
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, HĐND tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang và Chương trình công tác tư pháp của Bộ Tư pháp. Theo đó, thời gian qua công tác tư pháp tại Tiền Giang đã đạt được một số kết quả tích cực, đảm bảo đúng tiến độ, góp phần cùng với các ngành, các cấp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao chất lượng. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Tiền Giang vừa thực hiện công tác đảm bảo phòng, chống dịch vừa thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế về tuyên truyền pháp luật, chủ yếu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông, tăng cường PBGDPL trực tuyến.
|
Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang Nguyễn Thị Đang phát biểu tại buổi làm việc. |
Tiền Giang đã tuyên truyền được 30.285 cuộc cho 786.401 lượt người dự; phát hành 168.864.839 bản tài liệu PBGDPL. Riêng quý I/2022, Tư pháp Tiền Giang đã phối hợp tuyên truyền được 5.119 cuộc cho 109.536 lượt người.
Tư pháp Tiền Giang tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình PBGDPL như mô hình “Ngày pháp luật lồng ghép góp vốn xoay vòng”; “Ngày pháp luật lồng ghép sinh hoạt đờn ca tài tử”; “Ngày pháp luật lồng ghép sinh hoạt dưới cờ” ở các trường học; “Ngày pháp luật lồng ghép hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật”; “Ngày pháp luật lồng ghép sinh hoạt văn nghệ vầng trăng tri âm”; “Ngày pháp luật lồng ghép sinh hoạt cơ sở thờ tự”…
Riêng tại Sở Tư pháp Tiền Giang, hai hình thức tuyên truyền trọng tâm là vận hành Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.
Công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Tư pháp Tiền Giang chú trọng triển khai, gắn với việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”. Bên cạnh đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương tiếp tục được tăng cường; công tác hành chính tư pháp, nhất là công tác đăng ký hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của công dân.
Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Đề án, tập trung cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, số hóa sổ hộ tịch, chuyển đổi số...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác và các thành viên Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã trao đổi, tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến công tác hộ tịch, công nghệ thông tin, công tác trách nhiệm bồi thường nhà nước, công tác giám định tư pháp… Qua trao đổi trực tiếp, lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn, từ đó góp phần đóng góp vào phát triển đổi mới công tác Tư pháp địa phương.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn được sự quan tâm hơn nữa từ Bộ, ngành cho công tác Tư pháp Tiền Giang. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười cho biết, thời gian qua Tiền Giang rất quan tâm đến vấn đề áp dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, đồng thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến chuyển đổi số. Ngoài ra, Tiền Giang đã cố gắng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đưa vấn đề này tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Về hình thức tuyên truyền, Tiền Giang đề nghị áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, lồng ghép nhiều nội dung để đưa thông tin pháp luật đến gần người dân nhất. Trong năm 2022, Tiền Giang cũng đưa ra nhiều hoạt động, đề án nhằm khôi phục, đẩy mạnh công tác ngành Tư pháp sau đại dịch COVID-19.
Lấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân làm thước đo hiệu quả công tác tuyên truyền
Trước những kết quả của Tiền Giang đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng công tác Tư pháp tỉnh Tiền Giang vẫn có nhiều khởi sắc, đặc biệt là các mô hình PBGDPL mà Tiền Giang đã tổ chức có nhiều điểm mới.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao kết quả công tác Tư pháp mà Tiền Giang đã đạt được. |
Để triển khai hiệu quả toàn diện công tác ngành Tư pháp, thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Tiền Giang quan tâm hơn nữa đến công tác Tư pháp của tỉnh; bám sát công tác chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; công tác tham mưu, áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước. Chú trọng quyền con người quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các quy định, chính sách liên quan đến an sinh xã hội.
Trong PBGDPL, Tiền Giang cần quan tâm đến tinh thần đổi mới PBGDPL, yêu cầu lấy việc nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân làm thước đo đánh giá việc phổ biến pháp luật được thực chất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL chỉ đạo sự vào cuộc của các sở, ngành để phổ biến đầy đủ, có chiều sâu về các thông tin pháp luật. Đồng thời phối hợp tốt với ngành Công an, Quân sự tỉnh tăng cường phổ biến, tuyên tuyền pháp luật để nâng cao ý thức người dân.
Về hình thức triển khai phổ biến pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đồng tình với hình thức truyền thống kết hợp hiện đại mà Tiền Giang đã đưa ra. Thứ trưởng hoan nghênh tinh thần quan tâm đến công tác chuyển đổi số của Tiền Giang, đơn vị đã có trang thông tin PBGDPL. Tuy nhiên, Tiền Giang cần tăng cường hơn nữa, coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá để tăng cường đổi mới đầu tư để có một cơ sở dữ liệu đồng bộ; quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực giám định tư pháp, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Tư pháp.