Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính. Sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh.
Cổng dịch vụ công tỉnh Tiền Giang hiện cung cấp 1.772 dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ của hệ thống được đồng bộ với dịch vụ công quốc quốc gia.
Các ngân hàng tiếp tục triển khai quét mã QR trên hệ thẻ Căn cước công dân và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID để xác thực thông tin khách hàng, chống giả mạo trong giao dịch tài chính. Đồng thời, việc nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội cũng được tiếp tục thực hiện.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Anh Như |
Ngành thuế triển khai ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động để cung cấp chức năng về thuế điện tử, đăng ký giao dịch… Trong tháng 7 có 642 cá nhân đăng ký giao dịch tài khoản thuế điện tử (luỹ kế từ khi triển khai đến nay là 40.086).
Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thu phí trực tuyến không dùng tiền mặt với 469/509 đơn vị áp dụng. Lĩnh vực y tế hiện 100% cơ sở áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng thẻ căn cước để khám bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, đạt 78,2%
Trong tháng 8/2025, tỉnh Tiền Giang tiếp tục thu nhận 26.357 hồ sơ căn cước, 7.769 hồ sơ định danh điện tử mức 2 và kích hoạt hơn 19.000 tài khoản. Đến nay tỉnh đã có 1.698.686 công dân có thẻ Căn cước công dân và thẻ Căn cước, còn 366.563 công dân chưa được cấp thẻ Căn cước…
Bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ tổ chức triển khai thực hiện "các mô hình điểm" còn chậm, chưa mang lại hiệu quả tích cực để người dân hưởng lợi trong việc sử dụng thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử.
Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cao nhưng thực tế đa số người dân chưa thể tự nộp mà phải đến cơ quan nhờ cán bộ hướng dẫn. Số lượng đối tượng hưởng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt có tăng nhưng còn thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện chi trả (26.716/107.047 đối tượng đạt 24,96%).
Ông Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu các cơ quan tiếp tục xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Anh Như |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng trong việc đánh giá hiệu quả trong thực hiện, nhận diện và thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn tồn tại, hạn chế, chậm thay đổi so với thực tế, những vấn đề là “điểm nghẽn”, còn khó khăn, vướng mắc về pháp lý, hạ tầng, an ninh an toàn, dịch vụ công, kinh phí, nguồn nhân lực...
Từ đó đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên làm trước và giải quyết dứt điểm từng nhiệm vụ trong 4 tháng cuối năm 2024 và hướng tới hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, các mục tiêu của Đề án 06 đã đề ra và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã làm là có kết quả", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để tập trung thực hiện các nhiệm vụ về Đề án 06, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp vào sự phục vụ của cơ quan Nhà nước và để Nhà nước quản lý tốt hơn.