Tiền Giang: Tăng cường thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

(PLVN) -Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và phải gánh chịu hạn mặn nặng nề nhưng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Tiền Giang vẫn bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp, kế hoạch trọng tâm của Tổng cục THADS, chương trình kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Tiền Giang: Tăng cường thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

Năm 2020, trên cơ sở quyết định giao chỉ tiêu của Bộ, Ngành, Cục THADS tỉnh đã ra quyết định phân bổ chỉ tiêu cho Chấp hành viên tỉnh và các Chi cục THADS cấp huyện. Đồng thời đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong đó lưu ý những án có liên quan đến các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng; án kinh tế, tham nhũng; tăng cường việc theo dõi, chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đề ra các biện pháp, giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Cơ quan THADS thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và kịp thời đăng tải thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh đúng theo quy định. Cục THADS đã phối hợp chặt chẽ với các Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ để động viên, thuyết phục người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, thân nhân của họ tự nguyện thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự, xác nhận kết quả THADS để làm cơ sở cho việc xét miễn, giảm thi hành án.

Việc phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan trong việc xét đặc xá hàng năm cũng được Cục THADS chú trọng. Trong đó, chỉ đạo các Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự thường trực tại cơ quan để thu các khoản tiền phạt, án phí, bồi thường hoặc các nghĩa vụ dân sự khác khi thân nhân, gia đình người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù đến nộp; kịp thời cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án để làm cơ sở đề nghị xét đặc xá cho người phải thi hành án đúng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan THADS hai cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với  cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các án có liên quan đến việc thu hồi vốn vay cho các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. 

Năm 2020, công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Vì vậy bộ máy tổ chức, nhân sự, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan THADS Tiền Giang tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến huyện; thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác; xử lý nghiêm đối với những cán bộ vi phạm; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng; thực hiện tốt công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2020 vừa qua, trong số có điều kiện thi hành, Tiền Giang đã thi hành xong là 13.651 việc; đạt tỉ lệ 78,44% (tăng 3,24%) so với cùng kỳ năm 2019. Còn thiếu 1,56% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao. Về tiền, thi hành xong 790 tỷ 908 triệu 805 nghìn đồng, tăng 79 tỷ 414 triệu 126 nghìn đồng (tăng 11,16%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 57,78% (tăng 5,98%) so với cùng kỳ năm 2019, vượt chỉ tiêu của Tổng cục giao là 19,78%;

Năm 2021, Cục THADS Tiền Giang xác định, tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các đơn vị từ Cục đến các Chi cục. Cục sẽ chỉ đạo các Chi cục THADS tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự theo quyết định giao chỉ tiêu của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS. Phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao trong năm 2021; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trình tự thủ tục thi hành án, quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, đảm bảo quy trình lập hồ sơ đúng quy định và hướng dẫn kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác rà soát, phân loại án đảm bảo chính xác, tập trung xác minh, xử lý kịp thời các án có điều kiện; tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết cưỡng chế các đối tương chây ỳ, cố tình né tránh việc thi hành án. Đẩy mạnh việc gải quyết các án có liên quan đến các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng;  nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong những vụ án kinh tế, tham nhũng; tiếp tục thực hiện công tác giải quyết khiếu nạị, tố cáo. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành... 

Đọc thêm