Tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu

(PLVN) - Đây là đề xuất được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đưa tại phiên họp Quốc hội ngày 28/10, thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Bằng mọi giá phải chấm dứt tình trạng thiếu thuốc điều trị

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến tình trạng cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm vẫn thiếu, việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ.

“Lý do, nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên cần thấy rằng dù vì bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân, bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này”, đại biểu nói.

Đề cập đến việc thực hiện tự chủ ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tháo gỡ vấn đề này.

Cũng nhấn mạnh về việc phải có giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục được năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những giải pháp này cần đồng bộ từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như các tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.

“Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay cả về con người và cơ sở vật chất thì chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới”, đại biểu nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế; có nghị quyết về cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.

“Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức từ 1/1/2023 và đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp, thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách 202.000 tỷ đồng hay là tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD cũng như các thành tích khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân.

Cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị cần có ngay biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, là những vấn nạn đang gây thiệt hại lớn về người và của, cản trở cuộc sống và hoạt động hàng ngày của hàng chục triệu người dân, trong đó có một bộ phận là lao động cấp cao đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương và ngân sách quốc gia.

“Ngập lụt xảy ra ở hầu hết các đô thị du lịch của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, suốt các tỉnh miền Trung, cả các đô thị miền núi như Hà Giang, Sơn La, Đà Lạt, Kon Tum và cả đảo ngọc Phú Quốc thì làm sao chúng ta có thể khôi phục được tăng trưởng du lịch trở về thời kỳ trước COVID, hay hoàn thành chỉ tiêu thu hút hơn 8 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2023”, đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thì bày tỏ quan ngại về những vụ việc như trẻ em bị đóng đinh vào đầu, mẹ hờ đã đánh cho con đến chết…

“Tôi nhận thấy vấn đề này không chỉ công an điều tra, tòa án xét xử là đủ mà đây còn liên quan đến đạo đức, đến văn hóa, đến giáo dục của toàn xã hội. Việt Nam đang rất cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc phải tuân thủ pháp luật”, đại biểu nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành có liên quan tập trung giải quyết định chấm dứt những dấu hiệu băng hoại đạo đức trầm trọng này một cách căn cơ, bài bản.

Đề cập đến tình trạng một số cán bộ, công chức vi phạm quy định bị xử lý kỷ luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, “chưa bao giờ cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm quy định nhiều như lúc này, chưa bao giờ có nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo từ thấp lên cao đến rất cao, bị xử lý kỷ luật như bây giờ”.

“Mặc dù qua đó chúng ta rất tin tưởng sự quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng nhưng nhìn những gương mặt bị kỷ luật, biết những con số bị xử lý, chúng ta không khỏi buồn đau, lo lắng”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp.

Để hạn chế các sai sót của cán bộ, ngoài các việc đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, đại biểu đề nghị chú ý hơn việc tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự đào tạo của cán bộ.

“Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân. Tôi tin rằng không gì qua được mắt nhân dân, bởi vậy nhân dân cần phải vào cuộc phát hiện, điều chỉnh từ sớm, ở mọi lúc mọi nơi thì các sai sót của cán bộ mới giảm bớt được. Ngoài ra, khi xem xét kỷ luật cán bộ cần xem xét thật có lý, có tình, đặc biệt khi giải quyết những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ như chống dịch COVID-19 vừa qua, nghiêm khắc nhưng phải thật có lý, có tình”, đại biểu nêu quan điểm.

Cổ phần hóa doanh nghiệp: Quan tâm của người đứng đầu mới quan trọng

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, trong năm 2022, bên cạnh những thuận lợi như tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả.

GDP tăng 8% trong khi mục tiêu là 6 tới 6,5%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán, khả năng thu vượt 350 nghìn tỷ vào cuối năm.

Trong đó, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt, đáng chú ý là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 163 nghìn doanh nghiệp.

Chính phủ có những giải pháp tích cực từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, 128 của Chính phủ nên đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đại biểu khẳng định, đạt được những kết quả trên là do sự quyết tâm, đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương, đồng thuận của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế, thu nhập cá nhân vẫn còn rất lớn, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa.

Thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu đạt, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu hưởng tỷ lệ cho địa phương, đơn vị.

Về thu cổ phần hóa từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đại biểu nhấn mạnh, đây là lĩnh vực nhiều năm nay không đạt theo chỉ tiêu kế hoạch, ước thực hiện năm nay lại thấp hơn các năm trước khi có dịch bệnh.

“Báo cáo Chính phủ có nhiều nguyên nhân, do còn những cơ chế pháp lý chưa tháo gỡ ràng buộc, nhất là về đất đai, nhưng sự quan tâm của người đứng đầu mới là yếu tố quan trọng. Việc cổ phần hóa nhiều năm nay còn bất cập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập còn quá khó khăn”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ, người đứng đầu doanh nghiệp cần phê duyệt cổ phần hóa quan tâm nhiều hơn tới việc này để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, đại biểu đề cập tới tình trạng gian lận, trốn thuế trên một số lĩnh vực; giải ngân vốn đầu tư công thấp…

Phát biểu đầu phiên họp buổi chiều, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh về việc không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội.

“Tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng, mà nhìn vào đó chúng ta có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong Báo cáo của Chính phủ tăng trưởng năng suất lao động năm 2022 không đạt, trong khi các chỉ tiêu khác để đảm bảo cho tăng trưởng năng suất lao động đều đạt và vượt. Điều này chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt”, đại biểu nói.

Nhấn mạnh tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 được đặt mục tiêu trên 6,5%/năm, đại biểu đề nghị đặt chỉ tiêu tăng năng suất lao động trong năm 2023 từ 6 đến 6,5% để thống nhất với Nghị quyết số 31/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, chương trình hành động của Chính phủ và điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay.

“Chúng ta cũng đã xác định là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số. Khi đã xác định quyết liệt chuyển đổi số và tiến bộ khoa học công nghệ thì chỉ tiêu về năng suất lao động đề ra phải tương xứng bởi đầu tư và tiến bộ công nghệ, khoa học chính là cách thức quan trọng, là mấu chốt để nâng cao năng suất lao động”, ĐB nhấn mạnh.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị các cơ quan của Quốc hội còn tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật, kịp thời có ý kiến nếu có việc ban hành văn bản không đúng với tinh thần của luật.

Đọc thêm