'Nhà... nuôi gà cũng chết' mọc 'vô tội vạ' ở quận 12, TP HCM

(PLO) - Nhiều con hẻm tại quận 12 đang xuất hiện những ngôi nhà vô cùng kỳ lạ bởi diện tích của nó cũng như sự ra đời và công năng, tác dụng của nó. Nhiều người dân tuy nói vui nhưng cũng bức xúc thốt lên rằng: “Nhà đó nuôi gà còn chết, huống gì là cho người ở. Nhà đó là nhà đối phó, nhà lách luật…”.
Những kiểu nhà “chuồng gà”như thế này mọc lên khắp nơi, được các nhà đầu tư làm “bảo bối” để tách nền đất tại quận 12.
Những kiểu nhà “chuồng gà”như thế này mọc lên khắp nơi, được các nhà đầu tư làm “bảo bối” để tách nền đất tại quận 12.

Muôn kiểu lách luật

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, ngày 15/10/2014, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở trên địa bàn. 

Theo đó, một số quận như Thủ Đức, 12, Bình Tân… người dân muốn tách thửa đất ở phải đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó có phần diện tích tối thiểu. Cụ thể phải đảm bảo thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại, sau khi trừ lộ giới thì diện tích tối thiểu phải là 80m2 và mặt tiền thửa đất đó tối thiểu là 5 mét (đối với đất chưa có nhà ở). Đối với đất đã có nhà thì diện tích tối thiểu là 50m2, mặt tiền của thửa đất đó tối thiểu là 4 mét.

Quận 12 được xem là quận hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, bởi muốn được tách sổ dưới 80m2 thì buộc trên từng nền đất phải có nhà. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện lại có dấu hiệu “bất thường”. 

Để được tách sổ, các nhà đầu tư cá nhân tại quận này nghĩ ra nhiều chiêu trò nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.Theo đó, họ xây một căn nhà có chiều ngang khoảng 1 đến 2 mét và chạy dài suốt mặt tiền của lô đất có hàng chục nền đất mà họ đã phân lô.

Căn nhà này chỉ cao khoảng 2 mét, bên trong không hề có điện, nước, công trình vệ sinh, cỏ mọc um tùm. Bên trên được gác vài cây tràm rồi cột tạm mấy tấm tôn ở rìa phía trước, còn phía sau thì để trống. Nếu người ngoài nhìn vào sẽ bị đánh lừa rằng đó là một căn nhà hoàn chỉnh.

Có chủ đầu tư lại làm “sáng tạo” hơn. Đầu tiên họ vẫn tách đúng diện tích theo Quyết định 33, nhưng có ý đồ cụ thể. Họ tách khoảng 100m2 một sổ (nhưng thực tế là 2 nền đã bán giấy tay cho hai khách hàng - PV) và sau đó xin giấy phép xây dựng đàng hoàng cho 1 nửa đất và xin “thòng” thêm qua phần đất còn lại rộng khoảng 50cm, dài khoảng 2m. Dù phần “thòng” thêm đó không hề ăn gắn gì tới căn nhà này, nhưng họ viện cớ là trên phần đất còn lại đã có nhà nên xin thủ tục để tách làm đôi một cách đơn giản. 

Nhà ở hay chuồng nuôi súc vật?

Những “căn nhà lạ” mọc nhan nhản trên địa bàn quận 12 khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người đặt vấn đề, tại sao các cơ quan quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn lại để xảy ra tình trạng đó? Vai trò, trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường năm ở đâu? Trách nhiệm thường xuyên, phê duyệt tổng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng của Phòng Quản lý đô thị ở đâu mà để các “đầu nậu” xây những kiểu nhà không ra nhà, chuồng không ra chuồng ngay giữa thành phố văn minh hiện đại nhất cả nước?

Vẫn biết, lý giải vấn đề trên, những cán bộ thiếu trách nhiệm sẽ hát “bài ca muôn thuở”  rằng, do lực lượng mỏng, công việc lại nhiều, luật chưa rõ ràng, áp lực về thời gian rất lớn…

Nhưng người cán bộ chân chính đặt vấn đề, khi người dân xin giấy phép xây dựng, nếu thấy phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện thì sẽ cấp giấy phép. Tuy nhiên thực tế nhiều người dân xin giấy phép xây dựng căn nhà rất “bất thường”, bởi bên trong chẳng có hệ thống điện, nước, vệ sinh.

Hình thù, kiểu dáng nhà quá kỳ quái, chẳng có công năng gì cả, bên trong cỏ mọc um tùm… Vậy mà những người có trách nhiệm vẫn đồng ý cấp phép xây dựng rồi đồng ý cho hoàn công và chấp nhận cho tách ra từng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quả là“không bình thường”. 

“Những người có trách nhiệm đã bị “qua mặt” hay họ biết mà cố tình phớt lờ quy định khi phê duyệt, đồng ý cho tách thửa như vậy? Một công trình tạm bợ, có chiều ngang chỉ nửa mét, dài chỉ vài mét, cao chưa đầy 2 mét như thế thì liệu con người có ở được hay không? Hay chỉ dùng để nuôi heo, nuôi gà, nuôi ruồi muỗi...?”- một người dân bức xúc. 

Trước tình trạng phân lô bán nền quá bất cập, giữa năm 2015, Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo không để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép, tách thửa đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng ban hành Công văn 142/2016 nhắc nhở các quận, huyện thực hiện nghiêm túc Quyết định 33 và chỉ đạo này.

Theo đó, Công văn này nêu: “Quyết định 33/2014 là nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết nhu cầu về tách thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhà, đất (do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở, kinh tế trong cuộc sống hoặc giảm nhu cầu sử dụng nhà, đất). Không nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất để kinh doanh bất động sản.

Công văn nhấn mạnh, hiện một số quận, huyện có tình trạng cán bộ, công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung Quyết định 33 đã dẫn đến việc giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm chuyển nhượng, kinh doanh gây ảnh hưởng về quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, hình thành khu dân cư hạ tầng thiếu đồng bộ và không định hướng kết nối hạ tầng chung của khu vực…”. Tuy nhiên hiện tình trạng phân lô bán nền nhằm mục đích kinh doanh vẫn diễn ra hết sức sôi động tại quận này. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc nhiều thông tin nóng về tình trạng phân lô bán nền tại quận 12 và một số quận trong những số báo tiếp theo.

Đọc thêm