Tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật bao trùm, thống nhất

(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Quochoi.vn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo thêm, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Điều hành phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Thủ tướng Chính phủ cho hay, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan. Theo Thủ tướng, nước ta là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế. Tình hình thế giới và thực tế đất nước thay đổi rất nhanh nên những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chia sẻ vào hôm qua (7/11).

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc ban hành cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều nêu tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có quy định cho phép việc này.

Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương.

Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch COVID-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn thiện vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đối với chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, chủ trương của chúng ta đã rõ, việc phân cấp, phân quyền là để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Đọc thêm