Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về |
Như nhạc sĩ kể lại, để phục vụ cho công tác chuẩn bị tổng phản công quân Pháp, cần có những ca khúc động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu. Văn Cao đã hứa với lãnh đạo sẽ làm một ca khúc về Hà Nội và tại đây, sau nhiều ngày thai nghén, trong một đêm, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh, bên những bụi tre xanh, những nét nhạc đầu tiên của “Tiến về Hà Nội” đã đến với ông: “Trùng trùng quân đi như sóng…” và chỉ hai tuần lễ sau đó, ông đã viết xong ca khúc.
Nhạc sĩ Văn Cao |
Tuy nhiên, ít ai biết rằng bài hát hào hùng được mọi người dân yêu mến này từng trải qua những quãng thăng, giáng... Khi bài hát ra đời, bên cạnh sự háo hức chào đón thì cũng có ý kiến cho rằng nội dung chưa hợp với thời cuộc, “lạc quan tếu”. Phải đến ngày Thủ đô chính thức được giải phóng, lời ca “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang mọi ngõ ngách Hà Nội. Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng… rồi “năm cửa ô đón chào… Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, hoà trong điệp khúc giai điệu lời ca này, nhiều người vẫn nghẹn ngào, xúc động.
“Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao miêu tả sinh động bằng âm nhạc, cảnh tượng tưng bừng của đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là thời điểm bài hát ra đời trước ngày giải phóng Hà Nội đến 5 năm mà nhạc sĩ tài hoa đã vẽ được hình ảnh đầy xúc động ấy.
Những bức ảnh, những đoạn băng hình và cả trong ký ức bao người Hà Nội ghi lại và được chứng kiến thời khắc lịch sử đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội còn sống mãi… và ngạc nhiên hơn là những hình ảnh trong ca từ của “Tiến về Hà Nội” do nhạc sĩ vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày giải phóng Thủ đô 5 năm sau; đặc biệt là các đơn vị tiếp quản Thủ đô đều từ các cửa ô tiến vào nội thành hùng dũng, oai nghiêm, trùng trùng, lớp lớp, bước chân rầm rập tương tự như lời bài hát mà nhạc sĩ đã vẽ lên.
Cột cờ Hà Nội ngày 10/10/1954 |
Để có ngày vui tràn đầy này, quân dân Hà Nội đã qua 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sống mái với quân thù và sau đó để lại phố phường “ngùn ngụt cháy sau lưng” ra đi kháng chiến với lời thề son sắt quyết về giải phóng Thủ đô. Và ngày chiến thắng đó đã đến. Sau gần 8 năm tạm xa, thành phố lại về ta với niềm vui dâng trào. Bao con người của Hà Nội, của nước Việt đã chiến đấu hy sinh để làm nên niềm kiêu hãnh trong ngày trọng đại này.
Thực tế đã diễn ra như lòng người mong đợi, lời dự báo không hề “lạc quan tếu” đã đến. Sáng ngày 10/10/1954, Hà Nội bừng lên, năm cửa ô rợp bóng cờ hoa, nhân dân nô nức, vui mừng ùa ra khắp phố phường chào đón “Đoàn quân về giải phóng”. Và trong nhịp bước của các đoàn quân, nghe đâu đây nhạc khúc “Tiến về Hà Nội” tưng bừng. Nhân dân Thủ đô mang cờ, ảnh Bác, mang những bó hoa tươi thắm nhất, thành đội ngũ trật tự kéo tới những con đường bộ đội hành quân qua.
Và lúc 8 giờ sáng, lực lượng chủ yếu của Đại đoàn 308, trong đó có Trung đoàn Thủ Đô và các đơn vị phối thuộc chia làm nhiều cánh tiến vào thành phố. Đoàn xe đầu tiên của các trung đoàn 36 và 88 cùng các đơn vị pháo binh, cao xạ, có xe kéo do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu xuất phát từ Việt Nam học xá “rầm rập” tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh (nay là phố Huế) đến Chợ Hôm, bờ hồ Hoàn Kiếm giữa sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954 |
Chiều 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh nhân Ngày giải phóng Thủ đô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Thủ đô phải “cố gắng khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần, vật chất, giữ gìn trật tự an ninh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đầy đủ 8 chính sách của Chính phủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khen ngợi cán bộ và chiến sĩ tiếp quản Thủ đô. Người nhắc nhở bộ đội: “ Luôn luôn cảnh giác, giữ vững kỉ luật, thi đua học tập và công tác để cho bộ đội ta thêm hùng mạnh, chính quyền ta thêm vững chắc”.
Hơn sáu mươi năm đã qua nhưng không khí hào hùng của ngày Thủ đô giải phóng như còn vang đâu đây trong lòng mỗi người Hà Nội và nhân dân cả nước cùng nhạc khúc “Tiến về Hà Nội” tưng bừng. “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao là ca khúc hay nhất, thành công nhất, bức tranh hoành tráng nhất về sự kiện giải phóng Thủ đô và là bản hùng ca chiến thắng…