Nhớ ngày Đại tướng vào cõi vĩnh hằng

(PLO) - Trong 103 năm tại thế, với những chiến công lẫy lừng của một thiên tài quân sự, với nhân cách của một con người vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân Việt Nam về lòng yêu nước, chí dũng cảm và tình đoàn kết.  
Người dân Quảng Bình đón Đại tướng về lòng đất Mẹ. (Ảnh tư liệu)
Người dân Quảng Bình đón Đại tướng về lòng đất Mẹ. (Ảnh tư liệu)
Tổ quốc, ngày đau thương 
Sau hai năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời cõi trần gian, triệu người dân đất Việt trên mọi miền Tổ quốc vẫn một niềm xúc động khi nhắc tới ông - một thiên tài về thao lược quân sự và nghệ thuật tác chiến. Tên ông đã vang vọng suốt chiều dài cuộc chiến vệ quốc trường chinh của dân tộc ở thế kỷ XX và sẽ được nhân dân Việt Nam, bầu bạn thế giới đời đời nhắc nhớ.
Dẫu vẫn hiểu “sinh, lão, bệnh, tử” là qui luật tất yếu của mỗi đời người. Biết là ông đã ở tuổi xưa nay hiếm và đã trải qua thời gian ốm bệnh nhiều năm nhưng khi biết tin Đại tướng trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ 09 phút ngày 4/10/2013, mọi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là những người khoác áo lính qua các thế hệ không khỏi bàng hoàng, đau đớn. 
Chẳng thể nào quên giây phút đau đớn của triệu triệu trái tim máu đỏ, da vàng người Việt khi nghe Đài Truyền hình chính thức phát bản tin chiều 5/10/2015: “Thông cáo đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần”. 
Giọng biên tập viên xúc động: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần 18 giờ 09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013 (tức 30 tháng 8 âm lịch) tại Viện Quân Y 108 Hà Nội”. Cũng như triệu người dân, người lính, lòng tôi chùng xuống. Vậy là bác Giáp đã ra đi. Từ thẳm sâu trong lòng người lính biển, tôi như mất mát một điều gì đó thiêng liêng, kính trọng nhất.
Từ tối 5/10, nến và hoa bắt đầu được từng người dân tự nguyện và thành kính mang đến dâng trước cổng nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Hàng nghìn người dân trên mọi miền Tổ quốc vượt đường xa chỉ với ước mong được nhìn mặt Đại tướng lần cuối, hoặc được nhìn vào ngôi nhà của Đại tướng từ xa, hoặc đặt bông hoa trước cổng nhà nơi ông hơn nửa đời người gắn bó. 
Từ lãnh đạo cấp cao, dân thường đến người lính một thời xông pha trận mạc; từ giáo viên, học sinh, cụ già cao niên, lão thành cách mạng, tay cầm hương, hoa nhìn vào nhà Đại tướng cùng những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt rơi đến tận đêm khuya.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh Đỗ Thế Tuyến)
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 (Ảnh Đỗ Thế Tuyến)  
Kết nối tinh thần yêu nước
Để đáp lại tấm lòng tri ân mến phục, gia đình Đại tướng quyết định mở cửa đón nhân dân vào viếng. Không chỉ những người dân ở Thủ đô Hà Nội mà hàng nghìn, hàng vạn người ở tỉnh xa cũng lặn lội tìm về. Họ đến với một ước nguyện là được thắp nén hương lên bàn thờ Đại tướng.
Không thể nào quên những bà mẹ tay cầm hoa, tay bế con nhỏ nức nở phía hàng rào, biết bao thanh niên rơi nước mắt ngoài khung cửa, hàng vạn cựu binh một thời xông pha chiến trận, thét ra lửa trên chiến trận cũng không cầm được nước mắt khi gọi tên Đại tướng bên di ảnh người. 
Những tiểu thương thường ngày chỉ quen với việc bán hàng với những tính toán thiệt hơn cũng ngưng nghỉ, chủ quán cà phê đến đội thanh niên tình nguyện đều dốc của, dốc công phục vụ đồng bào đến viếng Đại tướng. 
Ngày qua ngày, dòng người đến viếng Đại tướng như dài ra vô tận. Hơn 100.000 người đã đến viếng Đại tướng trước lễ Quốc tang. Sự ra đi của ông làm sống dậy tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước ẩn giấu trong mỗi con người. Cả dân tộc như nắm tay nhau trước nỗi đau chung.
Sau hai năm Đại tướng ra đi, Thiếu tá Vũ Ngọc Tâm, Chính trị viên tàu HQ-15 (Lữ đoàn 171) vẫn nhớ như in thời khắc anh kéo còi tàu tiễn đưa Đại tướng: “Lúc đó, tàu tôi được giao nhiệm vụ kéo còi tàu trước để tiễn đưa Đại tướng. Từ hầm tàu chạy lên đài chỉ huy, tôi xúc động quá. Tay kéo dây còi tàu mà nước mắt tuôn rơi. Tiếng còi tàu vang lên, tất cả cán bộ chiến sĩ đứng trên boong tàu cúi mặt tưởng niệm”. 
Cũng tiếc thương Đại tướng như bao người lính Trường Sa, Thượng tá Đỗ Thế Tuyến (nguyên Đảo trưởng đảo Sơn Ca, lúc đó là Trung tá) đã lập bàn thờ để cán bộ chiến sĩ và ngư dân đánh bắt cá quanh vùng thắp hương viếng Đại tướng. Và 3 tháng sau thì đảo Sơn Ca triển khai xây dựng “Vườn hoa Đại tướng”. “Sau cuộc đời tận hiến, Đại tướng đã trở thành một phần máu thịt của lính hải quân. Biển, đảo vang vọng mãi tên người”, Thượng tá Tuyến chia sẻ từ đảo Trường Sa Lớn.
Lòng dân Việt với Đại tướng đã được thế giới cảm nhận rõ ràng. Nếu Hãng AP đưa tin: “Không một lời nào có thể diễn tả được tình yêu và sự kính trọng mà người dân dành cho Tướng Giáp” thì Hãng Xinhua đặt tít trên trang báo của họ “Tướng Giáp sống mãi trong tim người Việt Nam”, còn hãng Toronto Star viết: “Những di sản mà Tướng Giáp để lại sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 vĩnh biệt Đại tướng. (Ảnh: Mai Thắng)
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 vĩnh biệt Đại tướng. (Ảnh: Mai Thắng) 
Nước mắt vẫn tuôn rơi
Sau 9 ngày tiếc nhớ, Hà Nội gạt nước mắt tiễn đưa Đại tướng về với Quảng Bình. Trải qua những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu trên các chiến trường khắp cả nước, qua nửa đời gắn bó với Thủ đô, cuối cùng ông chọn yên nghỉ trên đất Mẹ - khúc ruột miền Trung nắng gió mặn mòi.
Tang lễ chính thức diễn ra từ sáng 13/10/2013. Ở Thủ đô Hà Nội, dòng người tỏa ra khắp các con phố, nơi linh cữu Đại tướng đi qua.  Hàng triệu người dân đứng hai bên đường kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng. Còn triệu triệu người dân khắp mọi miền đất nước ngồi trước ti vi xem hình hành lễ Quốc tang. Họ tiễn biệt Đại tướng bằng những giai thoại trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ, bằng những cuốn sách viết về ông.
Lễ di quan Đại tướng về quê nhà được thực hiện bằng đường hàng không, sự kiện chưa từng có trong lịch sử các lễ quốc tang ở Việt Nam. Vietnam Airlines được giao thực hiện nhiệm vụ này đã huy động hai máy bay, gồm một chiếc ATR 72 được hoán chuyển chở linh cữu và một chiếc Airbus 321 chở quan khách và gia quyến. 
Nếu như Hà Nội dồn hết tâm sức cho một cuộc chia tay thì Quảng Bình trong đau thương cũng hối hả chuẩn bị cho cuộc trở về của người con ưu tú nhất. Sau chặng đường bay hơn 1.000 cây số, trưa 13/10 linh cữu Đại tướng về tới Quảng Bình. Ông lại đi giữa lòng dân. Chỉ khác lần đi này không phải là dòng người chào đón vui mừng như những lần về quê trước đó mà là những tiếng khóc nghẹn ngào, nỗi tiếc thương vô hạn của người dân xứ sở. 
Hơn 50km từ sân bay Đồng Hới tới Vũng Chùa - Đảo Yến là 50km trập trùng dòng người cầm trên tay di ảnh và những tiếng khóc, tiếng gọi tên Đại tướng. Khi những nắm đất cuối cùng được đắp lên phần mộ cũng là lúc vị Anh hùng dân tộc hòa mình vào đất Mẹ, khép lại 103 năm Đại tướng tại thế, như một huyền thoại trong lịch sử Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân, con người huyền thoại đã đi vào lịch sử và được suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”. Thể phách ông rời cõi tạm nhưng tinh thần ông còn ở lại trong khối óc và con tim của triệu người dân Việt. Bởi sau một cuộc đời tận hiến, ông đã trở thành một phần máu thịt của nhân dân.
Sau hai năm Đại tướng đi vào cõi vĩnh hằng, hàng nghìn ngọn nến lung linh hàng đêm vẫn thắp sáng quanh ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, hàng chục ngàn người vẫn hành hương về Vũng Chùa - Đảo Yến. Ngoài sự ngưỡng mộ, người dân đến với Đại tướng như một kết nối tâm linh. Trong dòng người ấy, những giọt nước mắt chưa bao giờ vơi cạn. /.

Đọc thêm