Tiếng lòng của một nữ cung văn

(PLVN) - Từng là một người hát xin ở khắp cửa đền, cửa phủ ở miền Bắc, nhờ ý chí vươn lên, nặng lòng với nghề chị Trịnh Tâm đã trở thành nghệ nhân có tiếng của làng chầu văn miền Bắc hiện nay. Ở người phụ nữ ấy, dường như chưa bao giờ có sự nhụt chí và chán nản, mà chỉ có hai chữ “tài và tâm”. 
Nữ cung văn Trịnh Tâm trong một buổi phục dựng hát văn thi miền bắc tại đền Lưu Phái
Nữ cung văn Trịnh Tâm trong một buổi phục dựng hát văn thi miền bắc tại đền Lưu Phái

Đời người phụ nữ cũng truân chuyên mấy nỗi

Chị Trịnh Tâm là một nữ cung văn hay còn gọi là người hát văn trầu Thánh mỗi dịp lễ hầu bóng, lên đồng tại các đền phủ. Đến nay đã hơn 20 năm chị gắn bó với nghiệp hát với đủ nỗi truân chuyên. 

Chị Tâm bắt đầu đến với hát văn từ năm 14 tuổi, nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ  thường xuyên bị ốm đau, người anh trai trụ cột vì một lần tai nạn mà nằm liệt. Chị Tâm buộc phải nghỉ học, đi ăn xin để phụ giúp gia đình. Cái nghề mà chẳng ai muốn làm, nhưng vì còn nhỏ chưa đủ tuổi lao động nên chị đành làm vậy. Cái duyên của số phận đã đưa chị đến cửa đền Sòng (một ngôi đền nổi tiếng xứ Thanh) để xin. Lần đầu tiên nghe những lời hát văn tại đền, chị Tâm đã bị cuốn hút một cách kỳ lạ. 

Cuộc đời đã cho chị Tâm một giọng hát đẹp, nhưng chuyện hôn nhân lại lắm nỗi truân chuyên. Chị kết hôn với một người đàn ông gốc Thái Bình, cũng là một cung văn lành nghề. Có với nhau được hai mặt con, anh khuyên chị bỏ nghề ở nhà làm ruộng vì nghĩ chị đi hát văn chưa thành nghề, không có tương lai. Hai vợ chồng lục đục, mái ấm ngày nào nay cũng chẳng còn bình yên. Anh và chị Tâm quyết định ly hôn, chị một mình nuôi cô con gái vừa tròn 14 tuổi.

“Anh chồng bảo tớ bỏ nghề ở nhà làm ruộng, đi hát không có tương lai, chỉ hơn mấy người hát ăn xin có manh chiếu rách thôi. Sau này, mình nghĩ lại, phải cảm ơn câu nói đó rất nhiều, đó là động lực mình cố gắng để tập luyện học hỏi thầy để có chỗ đứng như ngày hôm nay”, chị Tâm nghẹn ngào nhớ về quãng thời gian hôn nhân đầy sóng gió.

 

Bền bỉ theo nghề phụng Thánh

Chị Tâm vẫn nhớ những ngày đầu tiên chưa hát được, chị đi ăn xin để kiếm tiền với niềm ao ước một ngày không xa sẽ được học hát văn. Bước đầu tự học từ những đoạn văn cơ bản nhất  được các nghệ sĩ thu lại trên băng. Dần dà những câu hát văn mộc mạc ngấm vào trong máu, chị xin nhà đền ngồi hát ngoài sân để phụng Thánh, phục vụ du khách thập phương.

Đối với chị, khoảng thời gian lang thang khắp cửa đền xứ Thanh đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật hát chầu văn trong chị. Như một cơ duyên cửa Thánh, niềm đam mê nghệ thuật chính là động lực để chị vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Đi ăn xin hát chỉ đủ nuôi sống bản thân, không có tiền thuê trọ chị xin ban quản lý các đền cho ngủ nhờ đền, có khi xin ngủ nhờ nhà dân gần đền. 

“Nhiều lần khổ quá, mình đã nghĩ là muốn bỏ. Nhưng cứ 1, 2 tuần không ngửi mùi hương khói là nhớ, lại chạy lên đền xin hát” chị Tâm chia sẻ.

Suốt 10 năm từ cô bé ăn xin ở đền Sòng, chị Tâm đã lang thang khắp các ngôi đền, phủ từ trong Nam đến ngoài Bắc để hát văn kiếm sống. “Tiếng lành đồn xa”, giọng hát của chị đều được mọi người yêu thích, ấn tượng về nữ cung văn không chỉ xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay. Vì trong giới cung văn, đa số nam giới có lợi thế và nổi tiếng hơn. Nữ hát văn nhiều rào cản, hạn chế ít ai theo được nghề lâu dài. Nhưng chính tình yêu và sự bền bỉ của chị Tâm đã giúp chị trụ lại với nghề và ngày càng có tiếng trong giới hát văn miền Bắc.

 

Giờ đây, một mình chị Tâm nuôi con gái lớn, cô bé càng lớn càng giống mẹ. Ngay từ bé, em đã được chị truyền cho tình yêu nghệ thuật truyền thống. Cô bé bộc lộ tiềm năng về âm nhạc, đặc biệt hát văn từ rất sớm. 

Vượt qua những rào cản của nghề, khó nhọc của cuộc sống chị Tâm luôn dành hết cho tình yêu nghệ thuật hát chầu văn. Mong rằng chị có thể truyền đi thật nhiều ngọn lửa yêu nghề, yêu nghệ thuật dân tộc cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ.