Tiếng thét trong đêm và sự đon đả bất thường
Khoảng 20h, ngày 28/7, một số người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ nhà ông Nguyễn Văn Lạc (sinh năm 1963) trú tại thôn Lâm Sơn, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lạc và bà Nguyễn Thị Nhân (sinh năm 1962) vốn xưa nay hay cãi nhau, xô xát nên láng giềng khi nghe thấy tiếng kêu ấy lại nghĩ rằng hai vợ chồng này lại xảy ra xô xát như những lần trước nên không ai để ý.
Và mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng nếu như sáng hôm sau (29/7), bà Nguyễn Thị Nhân không mời một số hàng xóm sang chơi sau khi đi làm đồng về. Nhận được lời mời nhiều người thấy lạ vì trước nay bà Nhân sống khép kín, ít quan hệ với hàng xóm, cũng chưa bao giờ mời hàng xóm sang nhà uống nước. Dù thấy lạ nhưng tình nghĩa xóm giềng, nhiều người cũng ghé vào nhà bà Nhân uống chén nước theo lời mời.
Bước vào nhà, hàng xóm thấy ngay ông Lạc đang nằm im lìm trên chõng tre, chào không trả lời. Trả lời câu hỏi của mọi người, bà Nhân giải thích là ông Lạc tối qua say rượu nên ngủ từ tối qua giờ vẫn chưa dậy. Nói xong bà Nhân xăm xăm đi đến bên chõng lay chồng dậy uống nước với hàng xóm. Nào ngờ chỉ sau đó ít giây bà rú lên hoảng hốt và kêu với mọi người là chồng mình đã chết. Bà khóc lóc thảm thiết và một mực giải thích lý do rằng do ông Lạc uống rượu bị cảm nên mới qua đời.
Đám ma ông Lạc được tổ chức ngay vào ngày hôm sau (30/7). An táng ông Lạc xong bên cạnh nỗi đau buồn mất người thân thì gia đình ông Lạc còn trăn trở về nhưng dấu vết bất thường trên thi thể như có vết tím tái ở chân và tay, vết móp phía đầu... Sau khi bàn bạc, người thân trong gia đình ông Lạc đã quyết định gửi đơn lên công an yêu cầu điều tra làm rõ cái chết của ông Nguyễn Văn Lạc.
Nhận được đơn, sáng ngày 2/8, cơ quan Công an huyện Lạng Giang phối hợp cùng với các đơn vị chức năng đã tiến hành khai quật thi thể của ông Lạc để khám nghiệm pháp y.
Những dấu vết tố cáo tội ác của một người đàn bà
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Anh Đông - Giám định viên pháp y và sinh học - Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vẫn nhớ như in từng dấu vết trên thi thể ông Lạc khi khai quật. Bởi dấu vết đó đã tố cáo tội ác của một người đàn bà.
Trên thi thể ông Lạc có tổng cộng có 18 vết trợt da. Đặc điểm của các vết này là đều có hình gần tròn, nền cứng, màu đen. Còn các vết trợt da trên cơ thể nạn nhân Nguyễn Văn Lạc khi khai quật lên vẫn còn nguyên đặc điểm và không bị mất đi.
Ngay tại hiện trường, các giám định viên tuy chưa loại trừ hết các khả năng nhưng đã có sự nghi ngờ là các dấu vết hình thành từ tổn thương do tiếp xúc với dòng điện truyền qua cơ thể. Giám định viên đã lấy mẫu da ở các vết trợt da về nghiên cứu trên mô bệnh học để xác định xem có phải vết bỏng điện không.
Cũng theo giám định viên Đoàn Anh Đông, giải phẫu bên trong thi thể nạn nhân kết quả cho thấy các tạng gần như đi vào giai đoạn phân hủy mạnh nhưng hình ảnh ứ máu, xung huyết, xuất huyết, cơ tim phù nề vẫn còn nhận biết được. Và trên hiện trường cũng phát hiện và thu một số đoạn dây điện màu vàng và một số đoạn dây khác phục vụ công tác điều tra và giám định. Đến thời điểm này, công tác giám định đã gần hoàn tất và theo giám định viên Đoàn Anh Đông về cơ bản đã xác định, đánh giá được các dấu vết quan trọng, giúp ích cho cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động nghiệp vụ tiếp theo.
Luôn đi theo tiếng gọi của công lý
Biết không thể che giấu tội ác nên bà Nhân ra công an đầu thú vì hành vi giết chồng. Tại cơ quan công an, bà Nhân đã khai nhận trói chồng rồi dùng dây điện gí vào người cho đến khi thấy ông Lạc tắt thở mới dừng tay. Sau đó, bà vờ mời hàng xóm sang chơi để mọi người nghĩ ông Lạc chết do bị cảm và làm chứng cho sự ngoại phạm của mình. Hiện bà Nguyễn Thị Nhân đã bị cơ quan điều tra bắt giam để điều tra về tội giết người.
Đã có không ít năm trong nghề nhưng ở vụ việc này, giám định viên Đoàn Anh Đông cũng có một chút “tâm lý” khi tiến hành giám định bởi sự “đặc biệt” của vụ việc, khi một người vợ bị nghi ngờ cố ý giết chồng bằng cách trói và chích điện, sau đó còn tạo chứng cớ giả. “Tuy nhiên khi đã trực tiếp bắt tay vào việc thì các dấu vết dần dần được hiện ra và sáng tỏ không chỉ giúp giải đáp thắc mắc chuyên môn của gia đình nạn nhân, mà còn khẳng định một điều rằng trách nhiệm của những người giám định viên là luôn đi theo tiếng gọi của công lý. Buổi khai quật đã giúp ích những giám định viên như tôi cảm thấy tự tin hơn, vững vàng hơn để phụng sự công lý, vạch trần cái ác” - giám định viên Đoàn Anh Đông nhấn mạnh.