Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh “Núp bóng” nạo vét để khai thác “vàng trắng” ở Phú Thọ tại đập Gia Bà (khu 3, xã Liên Hoa, Phù Ninh, Phú Thọ) phản ánh việc một đơn vị ngang nhiên khai thác như một đại công trường hàng nghìn khối đất sét trắng, cao lanh “vàng trắng” khai thác lên rồi được từng đoàn xe chở đi… dưới danh nghĩa nạo vét lòng hồ phục vụ tưới tiêu.
Đến nay, lần theo phản ánh của người dân, PV báo PLVN đến cơ sở sản xuất chế biến cao lanh nằm cạnh đường giao thông của xã, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không thấy sự vào cuộc xử lý của chính quyền.
Cở sản xuất chế biến cao lanh như núi, rộng khoảng hec ta đang ngang nhiên hoạt động nhộn nhịp như đại công trường. Ảnh: Xuân Hồng. |
Ghi nhận thực tế ngày 29/3 của phóng viên cho thấy: vị trí cơ sở sản xuất chế biến cao lanh nằm tại khu 15, xã Hà Thạch. Cơ sở sản xuất chế biến cao lanh như núi, rộng khoảng hec ta đang ngang nhiên hoạt động nhộn nhịp như đại công trường. Phía ngoài, xe tải nối đuôi nhau, những lao động cặm cụi khuân vác bao tải cao lanh từ bãi lên xe để chở đi tiêu thụ; bên trong lao động hối hả làm việc tại dây chuyền máy móc sản xuất. Tất cả lao động đều không có trang bị bảo hộ…
Tại khu vực chế biến cao lanh, dây chuyền máy móc, thiết bị hoạt động chạy hết công suất. Ngay sát khu vực chế biến là một ao lớn, chất thải, nước thải có thể được đưa ra ao này!.
Cả công trường sản xuất chế biến cao lanh không có biển báo; tường xây bao quanh; nguyên liệu đất trắng đổ tràn lan, chất cao như núi; không có nội quy sản xuất...
Ngày 29/3, trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Trung, Cán bộ Địa chính xã Hà Thạch cho biết, trên địa bàn xã Hà Thạch không có mỏ khai thác cao lanh; cơ sở chế biến sản xuất cao lanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Ông Trung khẳng định, những hình ảnh, video phóng viên ghi nhận được về cơ sở chế biến cao lanh trên địa bàn xã Hà Thạch thuộc phạm vi Cơ sở Giáo dục bắt buộc Thanh Hà Phân khu II (Tổng cục VIII, Bộ Công an). Việc cơ sở chế biến hoạt động cao lanh này về quản lý nhà nước trên địa bàn chính quyền xã Hà Thạch không biết!.
Ông Trần Xuân Trung, Cán bộ Địa chính xã Hà Thạch trao đổi với PV. Ảnh: Xuân Hồng. |
“Hôm nay, UBND xã đều bận, không có đồng chí nào có thể đi thực tế kiểm tra cơ sở sản xuất cao lanh được, hẹn hôm sau sẽ cử cán bộ vào kiểm tra thực tế”, ông Trung nói.
Cùng ngày, làm việc với phóng viên báo PLVN, bà Nguyễn Thị Hạ, chủ cơ sở sản xuất chế biến cao lanh cho biết: “Cơ sở chế biến được chúng tôi liên danh với Cơ sở Giáo dục bắt buộc Thanh Hà Phân khu II đi vào hoạt động từ năm ngoái cho đến nay. Về công tác bảo vệ môi trường tôi có ra UBND thị xã Phú Thọ để làm thủ tục nhưng chưa được xử lý!?”
Bà Nguyễn Thị Hạ, chủ cơ sở sản xuất chế biến cao lanh trao đổi với PV báo PLVN. Ảnh: Xuân Hồng. |
Tuy nhiên, bà Hạ chưa cung cấp được văn bản liên quan về giấy phép hoạt động mỏ, giấy phép hoạt động chế biến sản xuất cao lanh…
Trong một diễn biến khác, tìm hiểu của phóng viên được biết trên địa bàn xã Hà Thạch tình trạng khai thác đất, cao lanh diễn ra phức tạp, mất an ninh trật tự.
Mới đây nhất vào ngày 28/3, cơ quan chức năng thị xã Phú Thọ đã vào cuộc kiểm tra xử lý một “khai trường” khai thác cao lanh trái phép tại khu 8 xã Hà Thạch. Theo phản ánh của người dân, cao lanh trên địa bàn được bán cho bà Hạ, ông Tính…
Cơ sở chế biến cao lanh thành phẩm hoạt động rầm rộ trong một thời gian dài nhưng chính quyền sở tại không biết, cơ sở hoạt động “nhiều không”... Ai đã “bảo kê” cho cơ sở này ngang nhiên hoạt động không phép(?). Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và cơ quan liên quan vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm. Báo PLVN sẽ tiếp tục thong tin tới bạn đọc.
Một số hình ảnh PV báo PLVN ghi lại tại cơ sở sản xuất cao lanh:
Hoạt động sản xuất cao lanh chính quyền không hay biết. Ảnh: Xuân Hồng. |