Đầu tư điện gió gian nan hơn điện mặt trời
Ngày 26/3/2021, PLVN đã đăng tải bài viết Vì sao giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo giảm mạnh? đề cập đến chính sách giá ngày càng giảm đối với các nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và dẫn ý kiến phân tích của GS.TS Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam) cho rằng, giá nguồn điện NLTT giảm dần là xu thế đúng trên thế giới. Nguyên nhân chính được GS Long đưa ra là sau một thời gian dùng giá để kích cầu đầu tư thì hệ thống nguồn điện này “đã có tương đối” và sẽ không cần phải thu hút mạnh đầu tư như ban đầu.
Sau khi bài viết đăng tải, một doanh nghiệp (DN) khá lớn trong đầu tư NLTT (xin ẩn tên) đã có phản hồi tới Báo PLVN cho rằng, ý kiến của GS Long không sai nhưng không công bằng với điện gió vì nhắc tới nguồn điện NLTT, cần phải tách bạch rõ ràng nguồn ĐMT và điện gió. Hiện tổng công suất ĐMT đã vận hành lên đến 16.500 MW trong khi mới chỉ có 581,93 MW điện gió vào vận hành thương mại. Như vậy, tỷ trọng điện gió rất thấp trong nhóm NLTT, cần phải có chính sách riêng để phát triển nguồn điện được nhận diện là thế mạnh của Việt Nam.
Thực tế, chính sách ưu tiên phát triển điện gió xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2011 với ưu đãi bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện gió với mức giá 7,8 Uscents/kWh. Trong khi đến năm 2017, Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đầu tiên cho ĐMT. “Chính sách ưu đãi được ban hành sau 6 năm nhưng tổng công suất các dự án ĐMT lại đưa vào vận hành gấp gần 30 lần so với điện gió cho thấy đầu tư ĐMT nhanh và đơn giản hơn rất nhiều so với điện gió” - đại diện DN này nói.
Đến năm 2018, khi Chính phủ quyết định ban hành chính sách giá FIT (giá mua cố định) ưu đãi bổ sung cho điện gió, với giá mua điện tăng lên đến 8,5 USCents/kWh (với điện gió trên bờ) và 9,8 USCemts/kWh (với điện gió ngoài khơi) thì số lượng DN đầu tư sản xuất điện gió mới tăng lên đáng kể. Nhưng một dự án ĐMT chỉ cần đầu tư trong vài tháng là có thể đưa vào vận hành thì một dự án điện gió cần thời gian hơn rất nhiều lần.
“Chính tình trạng đánh đồng giữa ĐMT và điện gió trong nguồn NLTT khiến cho chính sách ưu đãi về điện gió bị thiệt thòi, gây mất cân đối trong nguồn điện NLTT tại Việt Nam. Hiện nay, trong nguồn điện NLTT, ĐMT đang chiếm chủ yếu khi chiếm tới 30% tổng công suất nguồn điện thì điện gió mới chỉ chiếm 1% tổng công suất nguồn. Điều này khá là vô lý vì thế mạnh điện gió ở Việt Nam là điều mà các tổ chức quốc tế đã đánh giá rất rõ ràng” - vị đại diện này phân tích.
Cần ưu tiên phát triển điện gió
Trong quá trình góp ý cho Quy hoạch điện VIII, chuyên gia của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực và Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương cho rằng, theo các tài liệu đánh giá và so sánh giữa điện gió, ĐMT thì điện gió có nhiều ưu điểm hơn ĐMT vì ít ảnh hưởng đến biểu đồ phụ tải của hệ thống, không phụ thuộc vào ngày/đêm, số giờ phát trong một năm lớn hơn khoảng 1,5 lần, chiếm ít diện tích hơn ĐMT khoảng hơn 3 lần.
Ngoài ra, theo thống kê, trên thế giới, sản lượng điện gió hiện lớn hơn ĐMT khoảng hơn 2 lần. Tại Việt Nam, hiện sản lượng điện gió thấp hơn ĐMT rất nhiều. Do đó, theo các chuyên gia: “Cần xem xét điều chỉnh cơ chế để phát triển cho đồng bộ theo xu hướng chung của thế giới. Do đó, giá FIT mua điện gió cần được mua cao hơn, nhất là điện gió ngoài khơi và thời hạn ưu đãi cũng nên kéo dài hơn. Trong cơ cấu nguồn tại Quy hoạch điện VIII nên tách riêng điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để có tầm nhìn chính sách dài hạn”.
Đề xuất kéo dài ưu đãi giá FIT hiện nay của điện gió cũng là ý kiến của nhiều DN đầu tư điện gió. Lý do mà các DN này đưa ra là, chỉ còn khoảng 7 tháng để về đích, rất khó hoàn thành; Chính phủ cần giúp đỡ DN vực dậy sau đại dịch Covid-19; Với một số DN phải đi vay vốn thì khi nhìn vào thực tế giá FIT điện gió sắp hết, ngân hàng sẽ ngần ngại việc cho vay, dẫn đến phá vỡ vòng vốn và phương án tài chính đã xây dựng.
Một nguyên nhân nữa được nhắc đến là thời gian đầu tư chạy giá FIT đã mất khoảng 1 năm ảnh hưởng bởi dịch, các chuyên gia hạn chế đi lại, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng cũng gặp nhiều khó khăn khiến dự án bị chậm tiến độ. Do đó, các DN đầu tư điện gió “chỉ mong được bù đắp 1 năm đại dịch bằng cách kéo dài giá FIT đến hết năm 2022”. Theo thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam, hiện còn khoảng hơn 4.000 MW điện gió đang “chạy giá FIT” cho kịp tiến độ.