“Phụ nữ khởi nghiệp” tạo đà giúp phụ nữ phát triển kinh tế
Nổi bật nhất trong các hoạt động của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2024, lựa chọn chủ đề của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, Hội LHPN Việt Nam mong muốn phát động, lan tỏa và tìm kiếm, tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý có dự án khởi nghiệp với sáng kiến theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số, các dự án tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 được ghi nhận với số lượng dự án khởi nghiệp dự thi tăng về số lượng và chất lượng. Thành phần các dự án tham gia đa dạng, phong phú. Nhiều dự án có hàm lượng khoa học công nghệ, có tính đột phá, tạo hướng đi mới, thúc đẩy sản xuất xanh và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ngày 12/10 vừa qua, 40 dự án đã được trao giải tại chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024. Bên lề Lễ trao giải, phóng viên đã có dịp trao đổi với chị Lý Thị Nga (sinh năm 1990) đạt Giải Nhất cuộc thi với Dự án chăn nuôi gà thảo dược vi sinh thả dưới tán hồi. Chị Nga sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bình Gia trong một gia đình làm nông nghiệp. Sau khi lập gia đình, vì mưu sinh chị và chồng đi lập nghiệp ở tỉnh xa. Năm 2019, chị Nga và chồng đi làm thuê tại một trang trại chăn nuôi ở Thái Nguyên. Sau gần một năm làm việc, nhận thấy việc chăn nuôi gà trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với những kinh nghiệm đúc rút từ trong quá trình làm việc tại đây, chị Nga đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp. Năm 2020, chị Nga mạnh dạn vay vốn từ anh em, bạn bè và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống và thức ăn cho gà. Trong quá trình chăn nuôi, nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học nên trang trại gà của chị luôn khô thoáng, sạch sẽ, bảo đảm cho đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Từ chăn nuôi gà, gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ mỗi năm. Từ thành công của mình, trang trại chăn nuôi gà của chị Nga đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều hội viên phụ nữ, người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập, tạo sức lan tỏa, khích lệ hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế.
Phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” để khởi nghiệp
Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), điều đó càng khó khăn hơn. Nhưng với quyết tâm vươn lên, không ít chị em phụ nữ ở những bản làng miền núi xa xôi đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với tài nguyên bản địa, phát huy những thế mạnh địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế.
Thành công đó có được nhờ vào những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh. Đơn cử như: Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, DTTS và khuyết tật. Đối tượng hưởng lợi từ đề án bao gồm phụ nữ có nhu cầu và ý tưởng khởi nghiệp, các doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, đề án ưu tiên hỗ trợ phụ nữ thuộc các nhóm khó khăn như phụ nữ nghèo, người DTTS, phụ nữ khuyết tật và phụ nữ sống ở các địa bàn khó khăn; Thông tư 53/2022/TT-BTC về kinh phí hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với nội dung quan trọng của Thông tư này là quy định về kinh phí triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt ngày 3/1/2023 với mục tiêu đến năm 2030 củng cố và phát triển ít nhất 1.500 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác, giúp tạo ra việc làm ổn định cho 30.000 thành viên và lao động nữ trong các hợp tác xã, cũng như 100.000 lao động nữ trong các tổ hợp tác…
Kết quả cho thấy, từ các hoạt động của Đề án Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội Phụ nữ đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ. Trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Qua 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, đã có trên 80.000 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70.000 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển…
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần được giao cho các Bộ, ngành tham gia chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng đầu tư tổng thể, toàn diện phát triển vùng DTTS và miền núi. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì, tổ chức thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Dự án 8 đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.
Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với Hội Phụ nữ các cấp triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để chị em xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương. Các cấp Hội tăng cường phối hợp phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tổ liên kết; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất… nhằm nâng cao năng lực hội viên, nhất là Ban Quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết.