Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của Bộ Công an

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 57/2023/TT-BCA quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Lãnh đạo Bộ Công an tiếp công dân định kỳ tháng 12/2023. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
Lãnh đạo Bộ Công an tiếp công dân định kỳ tháng 12/2023. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Được phản ánh các QĐHC không phù hợp với thực tế

Theo đó, Thông tư 57/2023/TT-BCA áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính (QĐHC) thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về QĐHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư 57/2023/TT-BCA nêu rõ, các nội dung phản ánh về các QĐHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm các nội dung sau: Vướng mắc, khó khăn cụ thể trong thực hiện QĐHC do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng QĐHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo quy định của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an.

Sự không phù hợp của QĐHC với thực tế. Sự không đồng bộ; không thống nhất của các QĐHC. QĐHC không hợp pháp. QĐHC trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Những vấn đề khác liên quan đến QĐHC.

Đối với các nội dung kiến nghị bao gồm: Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý đối với các quy định đã nêu trên. Sáng kiến ban hành mới QĐHC liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống Nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, Thông tư 57/2023/TT-BCA cũng quy định, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các QĐHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng, đơn giản, thuận tiện. Bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật về xử lý phản ánh, kiến nghị.

Hình thức phản ánh, kiến nghị được thực hiện bằng một trong các hình thức: Văn bản; điện thoại; phiếu lấy ý kiến; thông điệp dữ liệu gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương theo quy định.

Không cố tình chậm trễ hoặc gây khó khăn, nhũng nhiễu khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị

Tại Điều 15 Thông tư 57/2023/TT-BCA quy định cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị phải có thái độ đúng mực, tôn trọng, lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; ghi chép đầy đủ, chính xác các nội dung phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Giải thích, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị thực hiện phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định. Tuân thủ các quy trình và thời hạn tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Không cố tình chậm trễ hoặc gây khó khăn, nhũng nhiễu khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.

Đối với cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị có trách nhiệm nêu rõ họ tên, địa chỉ, nội dung phản ánh, kiến nghị. Trình bày rõ ràng, trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ có liên quan đến phản ánh, kiến nghị; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung đã trình bày đã được cán bộ, chiến sĩ tiếp cá nhân, tổ chức ghi chép lại trong trường hợp phản ánh, kiến nghị trực tiếp theo đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp Công dân năm 2013. Phản ánh, kiến nghị đúng hình thức, cách thức, yêu cầu, quy trình theo quy định của pháp luật về phản ánh, kiến nghị các quy định hành chính. Thực hiện đúng các quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 8 Điều 6 và điểm d, e khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp Công dân năm 2013.

Thông tư 57/2023/TT-BCA nêu rõ, trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về một trong các nội dung sau: Phản ánh, kiến nghị đã được tiếp nhận. Việc xử lý phản ánh, kiến nghị cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của pháp luật. Nội dung phản ánh, kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan, đơn có thẩm quyền giải quyết…

Và trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị theo quy định, Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Việc công khai được thực hiện thông qua một hoặc nhiều hình thức gồm: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cổng thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Thông báo cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị. Và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm