Các bạn trẻ hào hứng đi xem phim lịch sử, chiến tranh
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là bộ phim được thực hiện hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Bộ phim lấy bối cảnh năm 1967 khi chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu tìm và diệt số 1 của quân đội Mỹ khi nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ. Các cuộc liên lạc vô tuyến điện với nhóm tình báo bị quân đội Mỹ phát hiện và định vị, lấy đi lợi thế duy nhất của đội du kích là sự vô hình trong hệ thống địa đạo rộng khắp, phức tạp và bí ẩn.
Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng. Cách trung tâm TP HCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo có hệ thống đường hầm dài hơn 200km, là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước.
Với kinh phí sản xuất khoảng 55 tỷ đồng, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, đặc biệt là mô hình địa đạo Củ Chi dài 250m và các cảnh đại chiến với xe tăng, máy bay. Phim cũng huy động nhiều vũ khí hạng nặng mà Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó để tái hiện chân thật, thuyết phục và lôi cuốn người xem. Bộ phim đem đến cho người xem thêm lời giải cho ý nghĩa của cụm từ “Củ Chi - Đất thép anh hùng”, đồng thời như lời hồi đáp cho câu hỏi: “Hòa bình có đẹp không?”.
Dù mới ra mắt chỉ 3 ngày, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã có doanh thu gần 70 tỷ đồng, bộ phim cũng thu hút rất đông khán giả trẻ tới rạp. NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá: “Những bộ phim như “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã mang tinh thần giáo dục, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta thấy rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh nhưng luôn khát khao yêu thương bên trong mỗi chiến sĩ”.
Cần có chính sách tạo điều kiện nâng tầm phim xứng với thời đại
Trước đây, phim chiến tranh, lịch sử luôn bị xếp vào dòng phim kén khán giả, khó bán vé, thua lỗ. Nhưng thật bất ngờ, thời gian gần đây, các bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, “Đào, phở và piano”, “Đất rừng Phương Nam” lại thu hút rất đông khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Từ “cơn sốt” “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” “Đào, phở và piano”, “Đất rừng Phương Nam” cho thấy, nhu cầu xem phim lịch sử của người Việt rất lớn. Những thước phim mang đậm dấu ấn lịch sử và nghệ thuật, qua đó tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân…
Tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay, các nhà làm phim phải tôn trọng tác phẩm văn học gốc, nhưng đồng thời phải không ngừng sáng tạo bằng ngôn ngữ của điện ảnh và tin vào con đường sáng tạo đó, các nhà quản lý phải có cách nhìn nhận khác biệt để mang lại sự hấp dẫn mới với khán giả.
PGS.TS Hoài Sơn nhấn mạnh, Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Đây là những ranh giới cần thiết để bảo đảm các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử. Nhưng nghệ thuật vẫn có chỗ cho sự sáng tạo trong các “khoảng trống” để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan chia sẻ khó khăn, để thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học. Vì vậy, Nhà nước cần xem lại việc ưu đãi thuế VAT cho các nhà làm phim lịch sử, cần thiết phải có hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước để thúc đẩy phát triển dòng phim lịch sử. Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ, các nhà làm phim phải vay ngân hàng theo lãi suất để làm phim rất nhiều rủi ro, các nhà làm phim rất e ngại.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần có sự đầu tư hơn nữa từ các nhà làm phim, nhà sản xuất, nhà quản lý và sự ủng hộ của khán giả để nâng tầm, phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học. “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho phim lịch sử, chiến tranh bằng việc đặt hàng hoặc xã hội hóa để có các tác phẩm xứng tầm thời đại”, ông Sơn nói.