Tiếp thu nhiều ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, so với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, T.Ư đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo... Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, T.Ư kiên quyết phê phán, bác bỏ.

Ngày 11/5, Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khóa XI đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Bộ Chính trị

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Tiếp thu đối đa những ý kiến hợp lý

Tại Thông báo về Hội nghị lần thứ 7, BCH T.Ư Đảng khóa XI cho biết, thảo luận về Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, BCH T.Ư nhận định: nhìn chung, tuyệt đại đa số nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố. Đồng thời, nhân dân cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.

Trên cơ sở tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách nghiêm túc, chất lượng với tinh thần chung là chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “BCH T.Ư hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng này, nhân dân ta đã một lần nữa thể hiện cao độ lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hết lòng chăm lo xây dựng Nhà nước, đất nước, dân tộc vững mạnh, trường tồn”. 

Tổng Bí thư cũng cho biết, so với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, T.Ư đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình. Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, T.Ư kiên quyết phê phán, bác bỏ.

Tổng rà soát lại đội ngũ cán bộ

BCH T.Ư đã nhất trí thông qua Kết luận "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở";  thông qua Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Bên cạnh đó, BCH T.Ư nhất trí thông qua Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường"; thông qua Kết luận "Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, định hướng cải cách đến năm 2020".

Đặc biệt, Tại Hội nghị lần này, BCH T.Ư đã xem xét, cho ý kiến về các phương án và nhân sự quy hoạch BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây là dịp tổng rà soát lại đội ngũ cán bộ, cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về nguồn cán bộ và là cơ sở quan trọng để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Ngay sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của T.Ư để hoàn thiện, ban hành quy hoạch; đồng thời bám sát những quan điểm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo của Đề án đã được Hội nghị T.Ư 6 khóa XI thông qua và Kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, từng bước đưa công tác cán bộ ở T.Ư đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn”.

Hội nghị T.Ư 7 khóa XI cũng đã nhất trí bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Bộ Chính trị.

Quang Minh 

Đọc thêm