Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiết kiệm hơn nhiều so với đường bộ, nhưng do hạ tầng đường thủy nội địa vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” nên sản lượng vận chuyển hàng hóa qua phương thức này chưa thật sự được doanh nghiệp mặn mà. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Phối cảnh dự án cảng Vạn Ninh hiện đang được Vinaconex và đối tác xây dựng. (Ảnh: Vinaconex)
Phối cảnh dự án cảng Vạn Ninh hiện đang được Vinaconex và đối tác xây dựng. (Ảnh: Vinaconex)

Vận tải thủy nội địa còn khiêm tốn

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN), để lĩnh vực đường thủy nội địa phát triển, cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương để có mức đầu tư cao hơn. Từ nay đến 2030, đầu tư công cho các dự án đường thủy cần đạt ít nhất 5 - 7%, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Khi đầu tư công tốt, luồng lạch thông thoáng, tư nhân sẽ đi theo, đầu tư cảng bến lớn, đầu tư phương tiện để vận tải hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý luồng lạch, hệ thống phao tiêu, báo hiệu, hệ thống đo mực nước để báo cho các phương tiện, số hóa quản lý cảng bến, thuyền viên, thủ tục phương tiện rời, vào cảng, bến nhằm minh bạch thông tin, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, vận tải thủy nội địa đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tạo được một số đột phá như đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển làm giảm áp lực đáng kể cho vận tải đường bộ trên hành lang vận tải Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận tải của hành lang vận tải thủy phía Bắc và phía Nam, nhờ đó khối lượng vận chuyển container đến các cảng biển ở khu vực phía Nam, một số cảng biển phía Bắc và kết nối với Campuchia tăng trưởng mạnh.

Mặc dù đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực đường thủy nội địa vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu do đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước; nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, chưa đồng bộ giữa tuyến luồng và cải tạo tĩnh không các cầu nên các “điểm nghẽn” trên các hành lang vận tải chính chưa được giải quyết triệt để; quy hoạch giữa các lĩnh vực còn chưa thực sự gắn kết.

Theo tính toán của Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.500 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng hơn 128.000 tỷ đồng (chiếm 82%); sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 313.000 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng hơn 297.000 tỷ đồng (chiếm 95%). “Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư”, Bộ GTVT thông tin.

Đang tiếp tục đầu tư hạ tầng

Theo tìm hiểu của PLVN, sản lượng vận tải hàng hóa qua đường thủy nội địa tiếp tục duy trì đà tăng. Cục ĐTNĐVN cho biết, 10 năm qua, trung bình tăng trưởng của vận tải thủy nội địa đạt 10 - 12%/năm. Riêng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Bốn tháng đầu năm nay, vận tải thủy nội địa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, khoảng 18%.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, vận tải biển là phương thức vận tải rẻ nhất. Tàu càng to, chở được nhiều hàng thì chi phí càng nhỏ. Hiện vận chuyển hàng bằng đường biển từ Bắc vào Nam có thể tiết kiệm được khoảng 30 - 40% chi phí so với vận chuyển bằng đường bộ.

Vận tải bằng đường thủy nội địa thường xuyên tăng trưởng, chứng tỏ phương thức vận tải này đang ngày càng được doanh nghiệp yêu thích. Tuy nhiên, để thu hút nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng phương thức này hơn, các doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực này.

Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng đường thủy nội địa đang được triển khai. Điển hình, Ban Quản lý các dự án đường thủy đang đầu tư dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 khu vực phía nam với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến. Khi tĩnh không các cầu được nâng lên, sẽ bảo đảm cho các tàu chở container xếp từ 3 - 4 lớp lưu thông thuận lợi.

Nhiều dự án nạo vét duy tu các tuyến luồng trên cả nước cũng đang được Cục ĐTNĐVN thực hiện. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng quan tâm, tham gia các dự án cảng thủy nội địa, điển hình như Tập đoàn Phúc Lộc, Vinaconex…