Tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng tinh dầu đuổi muỗi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết ngày 12/4, Trung tâm có tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng trong gia đình (33 tuổi và 36 tuổi, ở Hòa Bình), nhập viện với biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, giảm khứu giác sau khi sử dụng tinh dầu đuổi muỗi dạng xông hơi trong gia đình.
Lọ tinh dầu đuổi muỗi mà gia đình anh K đã sử dụng. Ảnh: Mai Thanh
Lọ tinh dầu đuổi muỗi mà gia đình anh K đã sử dụng. Ảnh: Mai Thanh

Đây là vụ việc thứ 2 ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc sau khi sử dụng tinh dầu đuổi muỗi dạng xông hơi.

Cụ thể, 2 trường hợp trên qua lời kể của người thân, thời gian gần đây gia đình anh K dùng tinh dầu dạng xông hơi trong gia đình với mục đích đuổi muỗi. Sản phẩm này anh mua ở một cửa hàng tạp hóa, thông tin hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và cũng không biết có được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát hay không.

Gia đình đã sử dụng xông hơi liên tục 24 tiếng và trong nhiều ngày liền. Sau vài ngày, các thành viên trong gia đình bắt đầu có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt.

Khi nhập viện, cả 2 vợ chồng đều có tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Ảnh: Mai Thanh
Khi nhập viện, cả 2 vợ chồng đều có tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Ảnh: Mai Thanh

Theo bác sĩ Nguyên, các bệnh nhân đến viện trong tình trạng tỉnh táo. Cả 2 vợ chồng đều có tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Kiểm tra chụp cộng hưởng từ sọ não và các xét nghệm bình thường, tuy nhiên anh K (người chồng) xuất hiện thêm triệu chứng giảm khả năng khứu giác.

BS Nguyên cho biết: "Trong mẫu hóa chất do gia đình gửi tới được xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia có phát hiện chất cypermethrine là một hóa chất diệt sâu, diệt muỗi, diệt côn trùng nói chung, có thể dùng để diệt và đuổi muỗi. Tuy nhiên chúng ta chưa biết được trong đó có thêm các dung môi khác hay không, cần phải kiểm tra tiếp bởi nhiều sản phẩm hiện nay thường được trộn thêm một số dung môi mà độc tính có khi còn cao hơn một số chất chính. Khi hít vào sẽ dễ có độc tính trên thần kinh, tác động lên não..."

Cũng theo BS Nguyên, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một số trường hợp khác hít một số dạng hương đốt cháy hoặc tinh dầu do mục đích khác nhau. Có một số người trẻ lạm dụng hít hương liệu này vào để tạo cảm giác phê/hưng phấn. Đây là một xu hướng mới mà mọi người cũng nên cảnh giác.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại tinh dầu, hóa chất đuổi muỗi với giá rất rẻ. 30.000 đồng - 50.000 đồng.

Qua đây, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc từ hóa chất đuổi muỗi, diệt muỗi, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên mua sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ, được kiểm soát bởi cơ quan có thẩm quyền. Nếu là sản phẩm nước ngoài cần có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt một cách rõ ràng.

Đặc biệt, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, việc sử dụng các hóa chất tại gia đình, đặc biệt là dạng xông hơi, phát tán rộng sẽ có nhiều rủi ro nên hạn chế sử dụng, chỉ sử dụng khi phun diệt muỗi lên tường, sau đó mở cửa cho thoáng khí.

"Chúng ta không nên vừa ở trong phòng đóng kín cửa, vừa sử dụng máy xông đuổi muỗi, chúng ta sẽ hít toàn bộ hóa chát đó, như vậy muỗi bay đi còn người thì ở lại. Và chúng ta hít phải hóa chất độc trong nhiều ngày, nhiều giờ liền thì tự bản thân chúng ta sẽ gây độc cho chúng ta. Ban đầu dùng một lần có thể ít độc nhưng nếu chúng ta dùng trong nhiều ngày liên tục thì nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao, kể cả những hóa chất có độc tính thấp", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Đọc thêm