Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề xuất thành lập Ban chỉ đạo
Theo Báo cáo tại cuộc họp, trên cơ sở các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất ngày 08/7/2024 của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Bộ Tư pháp đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo; có Tờ trình số 59/TTr-BTP ngày 09/7/2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo đối với 03 đồng chí gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Tổng Thanh tra Chính phủ; có văn bản gửi các bộ đề nghị cử người tham gia Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo; chỉnh lý dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng rõ cơ quan thực hiện, lộ trình, thời hạn hoàn thành các công việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Về việc triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Ngày 26/6/2024, Bộ Tư pháp đã phát hành 03 Công văn gửi các bộ, ngành có liên quan để đề nghị cho ý kiến về việc thành lập Ban chỉ đạo; thực hiện cập nhật tình xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản QPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15; tiếp tục thực hiện rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ và tài liệu hướng dẫn kèm theo.
Đồng thời, liên quan đến phương án rà soát, xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật về thúc đẩy tăng trưởng, trên cơ sở tổng hợp thông tin, đề xuất từ các bộ, cơ quan, địa phương và phân tích từng phương án, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo xem xét, chỉ đạo việc triển khai thực hiện theo hướng trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung vướng mắc, bất cập có tính cấp bách tại một số luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong các văn bản ở tầm luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở kết quả rà soát bước đầu, Bộ Tư pháp đã tổng hợp một số nội dung của các luật cần xử lý.Cụ thể gồm: 08 Luật (Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách, Luật Quản lý thuế, Luật QLSDTS công, Luật Kế toán) với 43 nội dung, về các vấn đề như: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; kéo dài dự án đầu tư công; tách công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư công; Về phân loại dự án đầu tư công, Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư công, Về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, Về hạn mức vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP, Về thẩm quyền đầu tư, Về xử lý đối với các dự án BT chuyển tiếp, Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và phân cấp, uỷ quyền, Quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Giải quyết vướng mắc còn tồn đọng của một số dự án đầu tư trong giai đoạn trước.
Thành lập Nhóm giúp việc và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được giao và kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, trong thời gian tới, Thường trực Ban chỉ đạo cần tham mưu, tổ chức thành lập Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo; đôn đốc các bộ, ngành khẩn trương gửi báo cáo về kết quả rà soát, xử lý sau rà soát về Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát và tình hình xử lý đối với các vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra tại các báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15.
Đồng thời, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì thực hiện xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong các văn bản ở tầm luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo Kế hoạch.
Cho ý kiến tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành liên quan cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo và kết quả rà soát, xử lý kết quả rà soát bước đầu của Bộ Tư pháp, đồng thời cho ý kiến về những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập của bộ, ngành mình đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, các bộ, ngành sẽ tập trung tổng hợp, hoàn thiện báo cáo về tình hình xử lý và kết quả rà soát theo yêu cầu của Chính phủ, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đúng thời hạn tại Nghị quyết số 93/NQ-CP.
Đánh giá những điểm nghẽn và vấn đề cốt lõi để kịp thời xử lý
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trấn Tiến Dũng đánh giá cao ý kiến phát biểu, góp ý của các đại biểu. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng một luật sửa đổi một số luật với trọng tâm để giải quyết những bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn cần được khẩn trương xử lý để thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng, hướng tới đạt được chỉ tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Đối với những Luật đã có trong Chương trình, kế hoạch, Thường trực Ban chỉ đạo cần tiếp tục thực hiện theo Chương trình, kế hoạch; đối với những Luật vừa có hiệu lực thì hạn chế xem xét, sửa đổi, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có những quy định gây cản trở sự phát triển, buộc phải xử lý ngay.
Thứ trưởng đề nghị các bộ ngành khẩn trương triển khai, cung cấp báo cáo kết quả rà soát văn bản cho Bộ Tư pháp tổng hợp, đồng thời đề nghị Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia của Bộ Tư pháp tiếp tục sàng lọc, tổng hợp các kết quả rà soát, kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Ban Chỉ đạo, đảm bảo đầy đủ các điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để làm cơ sở xây dựng luật. Đồng thời, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội và một số địa phương (theo hình thức phù hợp) để tổng hợp, thảo luận, cho ý kiến về những bất cập, vướng mắc phát hiện qua rà soát để hình thành các nhóm vấn đề, làm cơ sở cho Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật với Ban Chỉ đạo.