Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực
Theo báo cáo, về kết quả xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), QH đã thông qua tổng số 21 luật, trong đó, có một số luật được sửa đổi, bổ sung thuộc Danh mục ban hành triển khai thi hành Hiến pháp và 1 luật được ban hành mới là Luật Thanh niên năm 2020.
Việc QH sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật trong năm vừa qua đã góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Về kết quả tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức.
Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn định hướng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch dưới nhiều hình thức như thực hiện phổ biến qua fanpage, zalo…, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến.
Về việc bố trí các nguồn lực bảo đảm cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ tư pháp cho hay, ở Trung ương, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định là 5.138 người.
Cơ bản, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở Trung ương được đào tạo chính quy với 1.929 người có trình độ đại học và 3.030 người có trình độ sau đại học. Ở địa phương, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định là 11.324 người. Riêng các Sở Tư pháp, có tổng số cán bộ, công chức là 962 người.
Về đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, tính đến ngày 01/01/2020, cả nước có 8.546 người làm công tác pháp chế, trong đó, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.173 người. Địa phương hiện có 80 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, với tổng số 2.242 người.
Thông tin về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ trưởng Tư pháp cho hay, tính từ ngày 16/8/2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 103 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực.
Đến nay, Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành được 71 văn bản. Còn 32/103 văn bản nợ chưa ban hành. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 86 văn bản (53 nghị định, 05 quyết định, 28 thông tư) để quy định chi tiết được giao tại 17 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2021.
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015).
Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn kết với vai trò đầu mối là tổ chức pháp chế đã đi vào nề nếp và có sự kiểm soát chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng văn bản.
Đối với công tác thẩm định các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật năm 2015 về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định. Việc thẩm định các thông tư là văn bản quy định chi tiết, thời gian qua các bộ cũng tích cực quan tâm, chỉ đạo đầu mối là tổ chức pháp chế.
Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, từ ngày 16/8/2019 đến ngày 15/8/2020, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các thông tư là văn bản quy định chi tiết, kết quả bước đầu chưa phát hiện nội dung trái pháp luật.
Về việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, về phía Chính phủ, ngoài việc đăng tải công khai tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, tại các phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Về phía Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cá nhân, tổ chức liên quan năm 2020.
Về phía các bộ, đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, đề ra một số hình thức kiểm điểm trách nhiệm như không xem xét khen, tặng danh hiệu thi đua cho các cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Trình bày về những hạn chế, bất cập, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, tính đến tháng 8/2020, còn 20 dự án luật nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 chưa được ban hành, trong đó có 17/20 dự án luật, pháp lệnh chưa được đưa vào hoặc đã được đưa vào nhưng rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết chưa được thực hiện triệt để. Số văn bản nợ ban hành đến nay vẫn còn 32 văn bản. Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh mới, đôi khi thực hiện chưa kịp thời.
Theo Bộ trưởng Long, những hạn chế, bất cập trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan là Hiến pháp có nhiều nội dung mới, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để kịp thời thể chế hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp dẫn đến số lượng văn bản cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới là rất lớn.
Các dự án luật, pháp lệnh đưa vào Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, qua quá trình nghiên cứu, lập đề nghị cho thấy, những dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành này cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết của việc ban hành.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết, bên cạnh việc phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình năm 2020.
Đặc biệt, Chính phủ, các bộ phải tập trung cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch Covid-19, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 nên công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có độ trễ so với tiến độ được phân công.
Một số luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết tương đối nhiều nội dung, khoảng thời gian từ lúc luật, pháp lệnh được thông qua đến thời điểm có hiệu lực tương đối ngắn.
Nguồn lực, kinh phí còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng về chất lượng trong khi khối lượng công việc là rất lớn, nhiều việc cấp bách, nhất là trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, bất cập đó được xác định như nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật còn hạn chế, dẫn đến việc thực hiện chưa thật sự đúng yêu cầu, chưa dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác này; các điều kiện bảo đảm cho xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế…
Triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Đánh giá chung, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ khẳng định tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; ưu tiên tập trung cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, 2021, đặc biệt là các dự án về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 118 văn bản quy định chi tiết (32 văn bản nợ chưa ban hành và 86 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới).
Về giải pháp, ngoài thực hiện những giải pháp đã đề cập trong các Báo cáo trước đây, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản.
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, ngay sau khi QH thông qua luật, nghị quyết, các bộ phải gửi đề xuất các văn bản quy định chi tiết cho Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lưu ý áp dụng nguyên tắc một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao; các bộ được giao xây dựng, trình hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết cần tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo đúng thời hạn…
Có chiến lược mới về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Phát biểu tại phiên họp, các ủy viên UBTV QH hoan nghênh, đánh giá Chính phủ đã có sự nỗ lực, cố gắng về các giải pháp đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành để triển khai thi hành Nghị quyết của QH, UBTV QH về thi hành Hiến pháp năm 2013 đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục các hạn chế, vướng mắc, nhất là trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH; tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao tính trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các cá nhân trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Các ủy viên UBTV QH cũng như các báo cáo đều thống nhất đánh giá nhiệm kỳ QH khóa XIV cũng như nhiệm kỳ QH khóa XIII trước đây, công tác xây dựng thể chế là quan trọng, xác định đây là một khâu đột phá để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phúc đáp được các yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hội nhập quốc tế.
“Thời gian qua, chúng ta tập trung vào 3 mảng quan trọng là xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân và bảo đảm quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm tăng cường quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Có thể nói, hệ thống pháp luật của chúng ta về cơ bản là đồng bộ, thống nhất, khả thi”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng phát biểu và qua báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cấp của hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay như chưa bảo đảm thật đầy đủ tính đồng bộ, thống nhất, nhiều quy định thiếu tính khả thi.
Việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành vẫn còn diễn ra, chưa khắc phục được một cách triệt để, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, đang còn những ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng pháp luật.
Các ý kiến thống nhất nhận định chung là có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là chưa thực hiện nghiêm, đầy đủ Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị quyết của QH và Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.
“Ở đây có việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình quá nhanh, quá nhiều. Công tác tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của các chính sách mới còn chưa được đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; khi ban hành các dự thảo luật, pháp lệnh còn chưa trình đồng bộ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành làm cho luật chậm đi vào cuộc sống”, Phó Chủ tịch QH cho biết.
Các ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, nguồn lực phục vụ cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật cũng còn có những hạn chế, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở trung ương và địa phương dù lên đến hàng ngàn người như trong báo cáo của Chính phủ nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ về chất lượng và số lượng, nhất là chất lượng.
“Hiện nay, có tình trạng chung là cán bộ làm pháp chế ở các bộ ngành nếu được đào tạo về luật nhưng thiếu quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đó còn cán bộ quản lý nhà nước thì lại thiếu mảng pháp luật, do đó cần phải làm sao để có thể kết hợp được, tận dụng được đội ngũ này và nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ này là vấn đề Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm”, Phó Chủ tịch QH nói.
Về kinh phí, các ý kiến cũng cho rằng hiện còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí hỗ trợ cho xây dựng pháp luật trước đây giờ được đưa vào kinh phí chi thường xuyên, cần tính toán để có những cải tiến trong việc bố trí, phân bổ đảm bảo cấp đủ kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL cũng chưa được làm thường xuyên dẫn tới trình trạng có quá nhiều văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, có những quy định chưa thống nhất với luật. Các ý kiến cũng đề nghị tới đây phải tiếp tục có chiến lược mới về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.