Tiếp tục hoàn thiện mô hình TOD phù hợp với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Chiều 17/1, Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bước sang phiên làm việc thứ hai với chủ đề Quy hoạch TOD.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Triệu Oanh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Triệu Oanh

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu, tham luận tại phiên thảo luận Tổng quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đã làm rõ việc triển khai mô hình TOD có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đô thị muốn phát triển hệ thống đướng sắt đô thị.

Mô hình TOD có mối liên hệ chặt chẽ với xây dựng quy hoạch các “siêu đô thị” có quy mô dân số lớn, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị; cải thiện, mở rộng không gian sống.

Mô hình này được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu áp dụng theo nhiều mô hình khác nhau như giải pháp căn cơ, toàn diện, dài hạn.

Tại phiên thảo luận chiều 17/1, 2 TP sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham luận tập trung vào nội dung Quy hoạch TOD nhằm tiếp tục thu thập thêm các thông tin, kiến thức, bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về các vấn đề như đề xuất quy hoạch hệ thống TOD – Thủ đô Hà Nội, nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc phát triển theo định hướng giao thông công cộng, kinh nghiệm quốc tế trong quy hoạch TOD…

Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, đồ án ngoài nghiên cứu đề xuất về định hướng phát triển không gian đô thị nói chung trên địa bàn TP cũng đã đề xuất các nội dung về TOD.

Thông tin cụ thể về nội dung này, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực thông tin, theo đồ án, đến năm 2035, định hướng tỷ lệ phát triển phương tiện công cộng tại Hà Nội sẽ tăng trên 50%; tới năm 2045, tăng trên 60%.

Ông Lê Chính Trực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Triệu Oanh

Ông Lê Chính Trực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Triệu Oanh

Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được hiệu chỉnh phù hợp với yêu cầu mới trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trên cơ sở bổ sung tuyến, mô hình phù hợp.

“TOD là khu vực đô thị phát triển nhằm tối ưu hóa 3 chức năng chính của đô thị là ở - làm việc - giải trí trong khu vực có khả năng đi bộ và được hỗ trợ bởi hệ thống giao thông công cộng. Với một đô thị đặc biệt như Hà Nội, phát triển theo mô hình TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng; giảm đô thị hóa tràn lan, bảo vệ tài nguyên đất đai; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, các phương tiện giao thông cá nhân…”, ông Lê Chính Trực khẳng định.

Việc phát triển TOD tại Hà Nội bảo đảm hài hòa với bảo tồn các không gian văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan, khai thác không gian ngầm. Về không gian, sẽ khai thác yếu tố hồ ao, mặt nước đặc trưng của Hà Nội gắn với các không gian mở, cây xanh, giao tiếp cộng đồng.

TP chú trọng chỗ đỗ xe 2 bánh, chỗ đỗ xe ôm, nhằm hỗ trợ và mở rộng bán kính TOD; phát triển nhà ở dạng shop-house, khai thác các dịch vụ, du lịch… gắn với đi bộ và hoạt động "kinh tế vỉa hè". Tổ chức không gian theo hình thái đô thị từng khu vực.

Đối với khu vực phát triển mới, bảo đảm mật độ, không gian mở, tạo không gian cộng đồng. Bố trí đủ các công trình công cộng hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, văn hóa theo chỉ tiêu. Bố trí chợ dân sinh gần khu vực ga…

Trao đổi trực tuyến về kinh nghiệm quy hoạch TOD Nhật bản, bà Ayako Kubo, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ở Nhật Bản, không có vùng TOD cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, TOD đã được hiện thực hoá bằng cách kết hợp các quy hoạch các khu thương mại lõi với khu dân cư ở khu vực ngoại vi.

Các khu thương mại được triển khai quanh các nhà ga với các quy mô khác nhau. Ở Nhật Bản, hệ thống phân khu hiện nay nhằm thúc đẩy mô hình TOD.

Từ khâu lập quy hoạch đến triển khai dự án đường sắt đô thị ở Nhật bản có sự phối hợp công – tư chặt chẽ. Các cơ quan thuộc JICA hay Ngân hàng phát triển Nhật Bản cũng tham gia tích cực vào dự án này. Trong đó JICA đầu tư cho nhiều dự án vận tải công cộng khối lượng lớn.

Tham luận về Chức năng và hành động TOD trong chiến lược quy hoạch đô thị - Trường hợp Hà Nội và kinh nghiệm của Nhật Bản, bà Tomoko ABE, Tập đoàn ALMEC chỉ ra một số thách thức đối với TP Hà Nội như thúc đẩy phát triển hệ thống tàu điện ngầm, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đảm bảo khả năng tiếp cận các nhà ga, phân bổ lại dân số của TP, cải thiện khu vực có mật độ cao, hồi sinh trung tâm thành phố bằng cách bảo tồn, cải thiện môi trường sống…

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia cho rằng, TOD chính là công cụ thể tích hợp phát triển đô thị, quản lý môi trường, phát triển hệ thống giao thông.

Trao đổi bên lề hội thảo ngày 17/1, ông Shimizu Makoto - Giám đốc Phòng Kinh doanh Quốc tế, Công ty TNHH Tokyo Metro - Nhật Bản cho biết, về cơ bản, tại Nhật Bản, đường sắt đô thị là loại hình giao thông chủ chốt được phát triển.

Bằng cách xây dựng những tuyến đường sắt đô thị với độ tin cậy cao, có thể phát triển TP, cũng như phát triển dọc tuyến đường sắt đô thị. “Khi phát triển, chúng tôi chú trọng tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó”, ông Shimizu Makoto cho biết.

Theo ông Shimizu Makoto, điều quan trọng là tạo ra sự liên kết giữa bên sở hữu đất (chủ đất) với đơn vị kinh doanh đường sắt đô thị, đơn vị phát triển. “Nếu phương châm và tương lai phát triển dọc tuyến đường sắt không được chia sẻ giữa tất cả các tổ chức và bên liên quan, thì mỗi dự án sẽ được xây dựng riêng lẻ, dẫn đến thiếu tính gắn kết”, ông Shimizu Makoto nhấn mạnh.

Ông Shimizu Makoto.

Ông Shimizu Makoto.

Đề cập đến khả năng đường sắt đô thị sẽ được triển khai rộng rãi cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, ông Shimizu Makoto cho rằng việc phát triển đường sắt đô thị không những thân thiện với môi trường, mà còn trở thành nền tảng cho giao thông đô thị. Do đó, ông mong rằng Việt Nam sẽ tích cực triển khai các dự án xây dựng này. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường sắt đô thị cũng sẽ mang lại sức sống mới cho khu vực xung quanh. “Vì vậy, tôi hy vọng Việt Nam sẽ xây dựng, triển khai tích hợp giữa phát triển đô thị với đường sắt đô thị”, ông nhấn mạnh.

Đọc thêm