Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả công tác triển khai Chuyển đổi số tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua?.
Ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là xây dựng Chính quyền số với nền hành chính hiện đại, thân thiện, hiệu lực hiệu quả; phát triển kinh tế số và hướng đến xã hội số; thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch và văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh đã thành lập 04 Tiểu ban chuyển đổi số; triển khai Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện tốt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân.... Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã chủ động vào cuộc thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả. Nhờ vậy, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá tích cực trong công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn.
|
Lãnh đạo tỉnh và sở, ngành nhấn nút phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Đến nay một số chỉ tiêu như chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến đạt và vượt chỉ tiêu Nghị Quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 của Hà Tĩnh đứng thứ 37 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, chỉ số Chính quyền số xếp hạng 39/63, tăng 20 bậc so với năm 2021; chỉ số Kinh tế số xếp hạng 39/63, tăng 17 bậc so với năm 2021; chỉ số Xã hội số xếp hạng 39/63, tăng 18 bậc so với năm 2021. Ngoài ra, các nhóm chỉ số khác cũng đều cơ bản có sự tăng hạng, như: Nhóm chỉ số An toàn thông tin mạng; nhóm chỉ số Nhân lực số; nhóm chỉ số Hạ tầng số; nhóm chỉ số Nhận thức số...
Phóng viên: Xin ông cho biết những khó khăn trong công tác triển khai Chuyển đổi số tại địa phương ?
Ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, Hà Tĩnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Chuyển đổi số là lĩnh vực mới, đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số ở các lĩnh vực còn thiếu, dẫn đến công tác tham mưu triển khai một số nhiệm vụ chưa thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; các sở, ban, ngành đang quản lý, ứng dụng cơ sở dữ liệu riêng lẻ.
Một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn xem chuyển đổi số là việc của cơ quan chuyên môn; người dân, doanh nghiệp chưa tin dùng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hồ sơ phát sinh thấp; doanh nghiệp công nghệ số chưa phát triển, kinh tế số chưa được thống kê, đo lường đầy đủ; chưa tạo sức lan toả chuyển đổi số trong cộng đồng.
Nội dung quan trọng của chuyển đổi số là người dân có thiết bị và được trang bị kỹ năng sử dụng các ứng dụng, nền tảng số. Tuy vậy, hiện nay việc phổ cập thiết bị còn hạn chế; chưa thông thạo trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử…
|
Ông Võ Trọng Hải – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn |
Phóng viên: Xin ông cho biết để giải quyết những khó khăn đó, tiếp tục hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số thì địa phương đã có những giải pháp như thế nào?
Ông Võ Trọng Hải- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về chuyển đổi số, Hà Tĩnh đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo số các cấp trong triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án của UBND tỉnh Hà Tĩnh về chuyển đổi số.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương.
Thứ hai, tăng cường thu hút nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao; chú trọng nâng cao năng lực đào tạo về công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội dung chuyển đổi số địa phương hằng năm dưới các hình thức đa dạng nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và nâng cao hiểu biết, sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Thứ tư, bám sát định hướng của Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành Trung ương để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ở từng ngành, địa phương đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của Tỉnh.
Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số theo chủ trương, định hướng của Trung ương như: chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính sách tổ chuyển đổi số cộng đồng, phổ cập thiết bị số, phát triển hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin… để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!