Tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến

(PLVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp luôn chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp, cải thiện số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Hà Tĩnh tích cực triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Hà Tĩnh tích cực triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Hiện nay, tại Bộ Tư pháp có 69 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: ban hành Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp năm 2023 và Kế hoạch thực hiện Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại Bộ Tư pháp; tổ chức Tọa đàm về giải pháp tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Tư pháp...

Đến tháng 2/2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối, cung cấp 58 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, Bộ Tư pháp còn 11 dịch vụ công (thuộc các lĩnh vực luật sư, công chứng, thừa phát lại) tổ chức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại sở tư pháp, đoàn luật sư, Bộ Tư pháp là cơ quan giải quyết TTHC chưa kết nối được với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong 58 dịch vụ công đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, có 20 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỉ lệ 34,5%) và 38 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Để hoàn thành yêu cầu của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 về “tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 40%”, Bộ Tư pháp đang tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình để nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến một phần đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Về việc tổ chức thực hiện dịch vụ công thiết yếu, theo danh mục các TTHC thiết yếu tại Đề án 06, Bộ Tư pháp có 03 TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch (gồm các thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký kết hôn) và 01 thủ tục thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp (thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp). Cụ thể, đối với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch, đến nay, 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Đối với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, đến nay 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc trong thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp nói riêng, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị thực hiện TTHC tại Bộ trong việc tái cấu trúc các quy trình dịch vụ, kiểm thử để kết nối các dịch vụ công trực tuyến còn lại lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nghiên cứu, đề ra mục tiêu, giải pháp để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp tục quan tâm, thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đọc thêm